Hệ thống giao thông “tỷ đô”
Từ chuẩn đô thị loại 3, Tân Uyên đang tích cực huy động nguồn lực để xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tạo thuận lợi cho phát triển công nghiệp, thương mại – dịch vụ, đô thị với mục tiêu lên đô thị loại 2, nâng cấp đô thị từ thị xã lên thành phố trước năm 2025.
Một lĩnh vực được Tân Uyên đặc biệt quan tâm là ưu tiên quy hoạch hệ thống giao thông, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và kết nối vùng, liên vùng. Nguồn lực sẽ dùng để đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội theo hướng hiện đại, chỉnh trang đô thị làm động lực cho sự phát triển. Bên cạnh đó, Tân Uyên cũng tăng cường mời gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển các loại hình thương mại – dịch vụ và hình thành các đô thị mới văn minh, hiện đại.
Trên địa bàn Tân Uyên hiện nay đang xúc tiến đầu tư một loạt dự án giao thông quan trọng. Nổi bật là đại lộ Uyên Hưng – Thủ Dầu Một, đại lộ Nam Uyên Hưng, Vành đai 4 và một loạt tuyến Tỉnh lộ như ĐT 741, ĐT 742, ĐT 745, ĐT 746, ĐT 747… nhằm tăng cường năng lực giao thông, vận chuyển hàng hóa. Năm 2021, Tân Uyên đã khởi công tuyến đường tạo lực Tân Uyên – Phú Giáo – Đồng Phú và mới đây là khởi công cầu Bạch Đằng 2 vượt sông Đồng Nai tạo thêm hướng kết nối với thành phố Biên Hòa, sân bay Long Thành, cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải.
Có thể nói Tân Uyên là địa phương được hưởng lợi nhiều nhất từ chiến lược phát triển giao thông của Bình Dương. Nhờ vị trí trung tâm kết nối với Thủ Dầu Một, Thuận An, Phú Giáo, Bến Cát, phần lớn các tuyến giao thông huyết mạch của Bình Dương đều đi qua địa bàn Tân Uyên. Điều này vừa kích thích nhanh quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa các khu dân cư vừa là yếu tố quan trọng để thu hút FDI, phát triển công nghiệp và thương mại – dịch vụ của Tân Uyên. Đặc biệt, Tân Uyên đang là địa phương có nhiều khu công nghiệp lớn đang hoạt động như Nam Tân Uyên, Nam Tân Uyên mở rộng, Phú Chánh, VSIP 2, Sóng Thần 3, Đất Cuốc và sắp tới còn có thêm VSIP 3 quy mô lên đến 1.000ha.