Thưa ông, ông có thể chia sẻ về vai trò của việc phân loại và thu gom rác thải nhựa trong việc bảo vệ môi trường?
Không thể phủ nhận, nhựa đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và là vật liệu tuyệt vời để sản xuất bao bì sản phẩm, nhưng nhựa cũng được xem là một trong những nguyên nhân gây ra các vấn đề môi trường. Quá trình sản xuất nhựa tạo ra hàng tỷ tấn khí nhà kính gây biến đổi khí hậu. Nhựa thải ra đại dương bị các sinh vật biển ăn phải và thậm chí xâm nhập vào chuỗi thức ăn của chúng ta.
Tuy nhiên trên thực tế, tất cả những tác động tiêu cực nêu trên không bắt nguồn từ bản thân loại vật liệu này, mà nhựa đang bị đặt sai chỗ trong môi trường bởi các hoạt động của con người.
Theo tôi, vị trí của nhựa là tuần hoàn trong nền kinh tế, không phải ngoài môi trường. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay tại Việt Nam là hệ thống phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý rác thải nhựa chưa đồng bộ. Vì vậy, Unilever đã khởi xướng và triển khai mô hình Kinh tế Tuần hoàn trong Quản lý Rác thải Nhựa, hợp tác cùng Bộ Tài nguyên & Môi trường và các đối tác tiên phong khác, nhằm triển khai 4 nhiệm vụ trọng tâm: Phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý rác thải nhựa; Truyền thông, tuyên truyền và giáo dục; Áp dụng tiến bộ khoa học – công nghệ và đổi mới và Đồng hành cùng Bộ Ban Ngành xây dựng các chính sách bảo vệ môi trường.
Trong đó, phân loại tại nguồn là bước khởi đầu quan trọng hỗ trợ việc thu gom và xử lý rác thải nhựa, giúp đưa nhựa quay lại vòng tuần hoàn và phục vụ nền kinh tế. Việc này đồng thời giúp giảm thiểu khí nhà kính từ quá trình sản xuất nhựa, hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải carbon, chống biến đổi khí hậu.
Mời ông chia sẻ về các hoạt động phân loại và thu gom rác thải nhựa mà Unilever đang thực hiện?
Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ cùng đối tác VietCycle và Duy Tân thực hiện chương trình “Hồi sinh Rác thải Nhựa” nhằm xử lý rác thải nhựa thông qua phân loại rác tại nguồn, thu gom và tái chế rác thải nhựa.