Mỹ đảo ngược lập trường, cho phép các nước nghèo tiếp cận bằng sáng chế vaccine Covid

Mỹ đảo ngược lập trường, cho phép các nước nghèo tiếp cận bằng sáng chế vaccine Covid

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 5/5 tuyên bố ủng hộ tạm dừng việc bảo hộ sở hữu trí tuệ về vaccine Covid-19. Theo đó cho phép các nước nghèo tiếp cận bằng sáng chế những vaccine này.

Sự thay đổi lập trường quan trọng của người đứng đầu Nhà Trắng diễn ra trong bối cảnh sức ép lớn từ các nghị sỹ Dân chủ và hơn 100 quốc gia trên thế giới, nhưng khiến các công ty dược phẩm không hài lòng.

Theo tin từ Reuters, ông Biden bày tỏ quan điểm tạm dừng bảo hộ bằng sáng chế vaccine ngừa Covid-19, một sự đảo ngược mạnh mẽ quan điểm của Mỹ trước đó. Tuyên bố được nhà lãnh đạo đưa ra trong một bài phát biểu tại Nhà Trắng và nhanh chóng được nối tiếp bởi một tuyên bố từ bà Katherine Tai, Đại diện thương mại Mỹ.

“Đây là một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, và tình thế chưa từng có tiền lệ của đại dịch Covid-19 đòi hỏi những biện pháp chưa từng có tiền lệ”, tuyên bố của bà Tai có đoạn viết.

“Sóng thần” Covid đang diễn ra ở Ấn Độ và sự bùng dịch ở nhiều quốc gia khác đang dẫn tới lo ngại về sự xuất hiện của những biến chủng virus có khả năng kháng vaccine. Điều này đặt ra nguy cơ đại dịch kéo dài, xói mòn triển vọng phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Giá cổ phiếu của một số hãng sản xuất vaccine Covid đã sụt giảm mạnh sau khi Mỹ đưa ra tuyên bố trên. Hai trong số các nhà sản xuất vaccine Covid lớn nhất thế giới hiện nay là hai công ty Mỹ Moderna và Pfizer.

Từ khi lên cầm quyền, ông Biden đã đặt công tác chống Covid lên vị trí ưu tiên số 1. Nhờ chiến dịch tiêm chủng được đẩy mạnh, số ca nhiễm mới và số ca tử vong vì Covid-19 ở Mỹ đã giảm liên tục.

Nhưng cùng với đó, ông Biden cũng đối mặt sức ép lớn về chia sẻ nguồn cung vaccine cũng như công nghệ chống Covid của nước Mỹ với thế giới. Sức ép này đến từ các nghị sỹ trong Đảng Dân chủ của ông, cũng như hơn 100 quốc gia muốn tiếp cận với bằng sáng chế vaccine Covid.

Quyết định mà ông Biden vừa đưa ra sẽ mở đường cho một tiến trình đàm phán có thể kéo dài vài tháng để đạt một kế hoạch cụ thể về tạm dừng bảo hộ bằng sáng chế vaccine Covid. Một quyết định tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ cần sự đồng thuận của tất cả 164 thành viên.

Bà Tai cảnh báo rằng việc đàm phán có thể kéo dài. Bà cũng nói Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy nỗ lực tăng sản lượng vaccine và phân phối vaccine trên toàn cầu.

Trước khi thay đổi lập trường, Mỹ và nhiều quốc gia khác đã ngăn chặn các cuộc đàm phán ở WTO về một đề xuất do Ấn Độ và Nam Phi dẫn đầu. Đó là đề xuất tạm dừng bảo hộ một số bằng sáng chế và công nghệ vaccine để tăng sản lượng vaccine tại các nước đang phát triển.

Chính phủ Mỹ đã đầu tư nhiều tỷ USD cho việc nghiên cứu và mua trước vaccine Covid-19 từ năm ngoái, khi những vaccine này còn ở giai đoạn đầu thử nghiệm và chưa rõ loại nào sẽ an toàn hay hiệu quả trong việc chống lại virus.

Tiến sỹ Amesh Adalja thuộc Trung tâm An ninh y khoa Johns Hopkins nói rằng việc dừng bảo hộ bằng sáng chế vaccine Covid-19 “đồng nghĩa với sự tước đoạt tài sản của các công ty dược phẩm, trong khi sự sáng tạo và đầu tư tài chính của những công ty này chính là những nhân tố đầu tiên mở đường cho việc tạo ra các vaccine đó”.

Trái lại, những người ủng hộ quyết định của ông Biden nói rằng các công ty dược phẩm sẽ chỉ chịu thiệt hại nhỏ vì việc dừng bảo hộ bằng sáng chế này chỉ là tạm thời, và các công ty vẫn có thể bán được vaccine trong nhiều năm nữa.

Hôm thứ Ba, Pfizer cho biết doanh thu từ bán vaccine Covid-19 của hãng có thể đạt ít nhất 26 tỷ USD trong năm nay. Hãng cũng nói nhu cầu mua vaccine để chống đại dịch trên toàn cầu có thể đóng góp vào sự tăng trưởng của hãng trong nhiều năm tới.