Đồng USD tăng giá mạnh
Chỉ số USD đã bật tăng mạnh lên 103 điểm, lần đầu tiên lại vượt qua ngưỡng 100 điểm kể từ đầu năm 2017. Dù FED giảm lãi suất xuống 0- 0,25%, cũng không hãm lại được đà tăng giá của USD. Đồng USD đã tăng giá gần 7,7% so với mức đáy thiết lập ngày 9/3; còn tính từ đầu năm đến nay, chỉ số USD đã tăng 5,8%. Theo đó, USD đang đứng ở mức cao nhất trong 3 năm so với EUR; trong khi so với đồng GBP, thì USD tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1985.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc USD phục hồi mạnh trở lại là do mấy nguyên nhân sau. Thứ nhất, việc các ngân hàng trung ương đồng loạt nới lỏng mạnh tiền tệ đã khiến cho động thái cắt giảm lãi suất của FED không còn nhiều tác dụng đối với đồng USD. Thậm chí, hiện lãi suất tại nhiều nền kinh tế như khu vực Châu Âu, Nhật còn đang ở mức âm nên mức lãi suất 0-0,25% của FED vẫn đang tạo nhiều lợi thế cho việc nắm giữ USD hơn so với EUR, JPY.
Thứ hai, dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại nhiều quốc gia Châu Âu và Mỹ đã khiến các nhà đầu tư lo ngại, đẩy mạnh mua vào đồng USD để trú ẩn. Trong khi đó, nguồn cung USD bên ngoài Mỹ lại khá khan hiếm, càng đẩy đồng tiền này tăng giá mạnh. Ngoài ra, các nhà đầu tư đẩy mạnh bán các tài sản để lấy USD bổ sung ký quỹ trên thị trường tài chính cũng góp phần làm tăng giá USD.
Với mục tiêu hạ nhiệt đồng USD để tránh gây bất lợi cho xuất khẩu và rộng hơn là kinh tế Mỹ, cuối tuần trước FED đã quyết định mở rộng giao dịch hoán đổi đồng USD với 9 ngân hàng trung ương khác. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, động thái này cũng không có nhiều hiệu quả khi mà hạn mức hoán đổi với 9 ngân hàng này chỉ là 450 tỷ USD, không thấm vào đâu so với nhu cầu hiện nay. “Vẫn còn rất nhiều nhà đầu tư cần bán tài sản rủi ro và họ muốn giữ tiền của mình bằng USD”, ông Yukio Ishizuki – Chiến lược gia ngoại hối của Daiwa Securities ở Tokyo cho biết.
Linh hoạt điều hành tỷ giá
Đồng USD tăng giá mạnh đã tạo sức ép tăng tỷ giá trong nước. Theo đó, tỷ giá trung tâm và giá mua bán USD tại ngân hàng liên tục được điều chỉnh tăng trong thời gian gần đây. Trong phiên giao dịch ngày 23/3, tỷ giá trung tâm tiếp tục nhà điều hành tăng thêm 7 đồng lên mức 23.259 đồng/USD sau khi đã tăng 30 đồng trong tuần trước đó. Tính chung trong 2 tuần qua, tỷ giá trung tâm đã tăng tới 69 đồng; còn tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm đã tăng 104 đồng.
Giá mua – bán USD tại các ngân hàng cũng bật tăng mạnh trong hai tuần gần đây. Trong phiên giao dịch 23/3, các ngân hàng tiếp tục tăng cả giá mua và bán đồng bạc xanh lên quanh 23.440 đồng/USD (mua vào) và 23.610 đồng/USD (bán ra); tăng thêm 340 đồng/USD chiều mua và tăng 370 đồng/USD ở chiều bán so với 2 tuần trước đó và cũng là mức tăng mạnh so với cuối năm 2019. Khoảng cách giữa giá mua và giá bán được nới rộng lên tới 180 – 200 đồng cho thấy các ngân hàng cũng đang lo ngại mức độ biến động mạnh của tỷ giá.
Tuy nhiên, mức tăng của tỷ giá trong nước vẫn chưa thấm vào đâu so với đà tăng của đồng USD trên thị trường thế giới. Tính chung, tỷ giá trung tâm mới tăng 0,45% kể từ đầu năm; trong khi giá mua – bán USD tại các nhà băng chỉ tăng khoảng 1,5%. Điều đó vô hình chung đã làm VND tăng giá khá mạnh so với nhiều đồng tiền khác. Đơn cử nếu thời điểm ngày 12/3, 1 EUR đổi được 26.260 VND thì đến thời điểm cuối tuần qua, đồng EUR chỉ đổi được có 25.509 đồng, có nghĩa EUR đã giảm giá 2,86% so với VND. Trong giai đoạn này, CNY cũng giảm giá 0,86% so với VND…
Việc VND tăng giá sẽ gây nhiều bất lợi cho hoạt động xuất khẩu, vốn cùng đang gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19. Thế nhưng, nếu để tỷ giá trong nước tăng theo đà tăng của đồng USD, có nghĩa để VND mất giá quá mạnh, sẽ tạo áp lực lên lạm phát, qua đó có nguy cơ gây bất ổn kinh tế vĩ mô; đồng thời tạo thêm gánh nặng nợ nước ngoài cho Chính phủ, doanh nghiệp. Đặc biệt, điều đó còn làm xói mòn niềm tin vào sự ổn định của VND mà nhà điều hành đã vất vả xây dựng lâu nay.
Hơn nữa, theo giới chuyên gia, đà tăng của USD chỉ mang tính ngắn hạn do tác động của dịch bệnh đến tâm lý của nhà đầu tư. Vì thế, đồng tiền này sẽ đảo chiều giảm trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát.
“Trong ngắn hạn, điều hành tỷ giá cần linh hoạt theo sát diễn biến của đồng USD trên thị trường thế giới để tránh gây bất lợi cho xuất khẩu. Bên cạnh đó không tạo áp lực dồn tích đến tỷ giá để đến khi buộc phải điều chỉnh, mức độ điều chỉnh sẽ lớn, gây tác động tâm lý bất lợi cho thị trường”, một chuyên gia khuyến nghị.