Giới trẻ Trung Quốc bất mãn trước nỗi ám ảnh ‘con nhà người ta’ của bố mẹ: Bị kiểm soát, chăm sóc thái quá, không thể tự quyết định bất kỳ điều gì

Giới trẻ Trung Quốc bất mãn trước nỗi ám ảnh ‘con nhà người ta’ của bố mẹ: Bị kiểm soát, chăm sóc thái quá, không thể tự quyết định bất kỳ điều gì

Sau khi giành huy chương vàng Olympic Bắc Kinh 2022 ở bộ môn trượt tuyết tự do, Eileen Gu trở thành “con nhà người ta” trong mắt các bậc phụ huynh Trung Quốc. Tuy nhiên, mọi việc dường như đang đi quá xa và giới trẻ tại quốc gia đông dân nhất thế giới này đang phải kêu than trước những kỳ vọng thái quá của bố mẹ. Kỳ vọng đến nỗi phụ huynh Trung Quốc được ví von như những “tay luyện gà” – săn sóc và chăm lo con từng chút một.

Trước đây, Trung Quốc nổi tiếng với kiểu phụ huynh “cha mẹ hổ” – những người cực kỳ nghiêm khắc trong chuyện nuôi dạy con cái. Tuy nhiên, thế thời thay đổi, người dân giờ đây chuyển sang kiểu giáo dục mới mang tên “cha mẹ gà” (jiwa) – những người ôm tham vọng giúp con mình được phát triển toàn diện, hoàn hảo về mọi mặt. Họ được so sánh với bộ phận những “helicopter parents” (cha mẹ trực thăng) tại Mỹ – những bậc phụ huynh luôn “lơ lửng như máy bay trực thăng” để kiểm soát, theo dõi con cả ngày.

Thuật ngữ “bố mẹ gà” bắt nguồn từ một phương pháp điều trị dân gian tại Trung Quốc vào thập niên 1950: bơm tiết gà vào cơ thể. Họ tin rằng điều này có thể kích thích năng lượng và giúp cơ thể thêm khoẻ mạnh.

Vốn đã ôm kỳ vọng, các “bố mẹ gà” này giờ đây còn đặt ra nhiều tiêu chuẩn hơn sau hiệu ứng “Eileen Gu”. Họ thề rằng sẽ thúc ép con mình học hành chăm chỉ để thành công được như cô gái vận động viên nọ.

Tuy nhiên, nhiều người đặt ra câu hỏi rằng liệu nỗ lực đó có thực sự ý nghĩa khi Eileen Gu thành công không chỉ nhờ tài năng mà còn bởi đặc quyền của tầng lớp giàu có.

“Thành công của Gu được tạo ra từ những gì tốt đẹp nhất giữa hai đất nước Mỹ-Trung. Điều đó không có sẵn cho hầu hết các gia đình thành thị”, Ye Liu, nhà xã hội học tại King’s College London cho biết.