Diễn biến mới nhất, hãng dược phẩm lớn thứ 2 sàn chứng khoán Pymepharco (PME) chính thức bỏ tư cách công ty đại chúng, tiến tới huỷ niêm yết sau khi bán mình cho nhà đầu tư ngoại. Trong đó, gia nhập PME từ năm 2008, STADA Service Holding B.V – Tập đoàn dược phẩm đến từ Đức – từng bước gia tăng sở hữu và hiện đã chiếm hơn 99,5% vốn, bộ máy lãnh đạo cũng được thay thế toàn bộ.
PME sớm lọt vào tầm ngắm của STADA trong tham vọng mở rộng địa bàn kinh doanh ra thị trường quốc tế. Chỉ trong thời gian ngắn, STADA đã M&A hàng loạt các đơn vị trong khu vực gồm mua lại Walmark, nhà sản xuất các thương hiệu chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng hàng đầu tại khu vực Trung Âu, mảng kinh doanh sản phẩm Biopharma – một trong những nhà sản xuất dược phẩm lớn nhất tại Ukraine và công ty dược phẩm sinh học Alvotech của Iceland…
Về phía PME, tiền thân là Dược và Vật tư y tế Phú Yên được thành lập từ năm 1989, trải qua 30 năm từ một công ty dược địa phương chuyên phân phối trang thiết bị y tế nhỏ lẻ, PME hiện là một trong những nhà sản xuất dược phẩm hàng đầu Việt Nam và khu vực với hệ thống phân phối với 19 chi nhánh rộng khắp cả nước. Đầu năm 2018, PME khởi công xây dựng Nhà máy Dược phẩm PME II, có tổng vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng trên diện tích hơn 30.000 m2 tại Phú Yên.
Năm 2017, sau khi niêm yết lần đầu trên sàn HoSE, PME đứng vị trí thứ hai trong các doanh nghiệp dược trên sàn (sau Dược Hậu Giang và trên Traphaco). Hiện PME được định giá ở mức 5.600 tỷ đồng.
Như vậy, thương vụ nắm trọn PME của nhà đầu tư Đức đánh dấu mốc lớn trong công cuộc từng bước thâu tóm ngành dược Việt Nam của nước ngoài suốt thập kỷ qua.