Đằng sau cuộc đua tăng vốn ngân hàng

Đằng sau cuộc đua tăng vốn ngân hàng

Tính đến thời điểm này đã có khoảng chục ngân hàng tầm trung trở lên có kế hoạch trình cổ đông tăng mạnh vốn điều lệ, chủ yếu qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc, ít phổ biến và ở mức độ nhỏ hơn, là chào bán riêng lẻ, chào bán cho cổ đông chiến lược. Và cũng tính sơ bộ, nếu các ngân hàng trên tăng vốn thành công, quy mô vốn điều lệ của hệ thống các tổ chức tín dụng trong năm nay sẽ tăng thêm ít nhất gần 60 nghìn tỷ đồng. 

Việc tăng vốn mạnh mẽ như vậy không khỏi khiến thị trường nhớ lại thời kỳ “lớn nhanh như thổi” của hệ thống ngân hàng chục năm trước. Tuy nhiên hầu hết các ý kiến cho rằng, nền tảng của lần tăng vốn này hoàn toàn khác, các ngân hàng đều dựa trên thực lực, bối cảnh kinh tế cũng khác nên sự lo ngại tăng trưởng nóng là chưa cần thiết. Vậy đợt tăng vốn ồ ạt lần này có ý nghĩa gì với bản thân các ngân hàng, sẽ tác động ra sao tới thị trường chứng khoán và nền kinh tế có lẽ là điều được quan tâm nhiều hơn. Xoay quanh câu chuyện này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Phan Minh Ngọc, chuyên gia đang làm việc trong ngành tài chính tại Singaprore.

PV: Theo chuyên gia, việc tăng vốn hiện nay sẽ giúp gì cho các ngân hàng Việt Nam?

TS. Phan Minh Ngọc: Nhìn chung, tăng vốn điều lệ sẽ giúp ngân hàng đẩy mạnh được cho vay, mở rộng thị phần. Tăng vốn điều lệ còn giúp ngân hàng có thêm nguồn vốn khả dụng để đầu tư vào các lĩnh vực thiết yếu như công nghệ, đào tạo nhân lực, cơ sở hạ tầng – điều mang tính sống còn trong thời đại “chuyển đổi số hay là chết” này, để đảm bảo duy trì và cải thiện tính cạnh tranh, tăng trưởng nhanh và bền vững trong tương lai.

Như vậy có thể nói, những ngân hàng nào không có ý định tăng vốn trong khi các đối thủ của họ lại chạy đua tăng vốn là những ngân hàng hoặc rất tự tin vào thế mạnh riêng giúp bản thân duy trì vị trí đi đầu trong phân khúc ngân hàng của mình mà không sợ bị ai cạnh tranh mất, hoặc đơn giản là không thể hoặc rất khó tăng vốn khi xét đến các điều kiện, và đặc biệt là phí tổn tăng vốn.  

Ông đánh giá thế nào về điều kiện tăng vốn của các ngân hàng hiện nay?

Các hình thức tăng vốn phổ biến như đã nêu trên đang khá thuận lợi bởi sự tăng trưởng mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam trong các tháng gần đây và chắc sẽ còn tiếp diễn một thời gian nữa khi được hậu thuẫn bởi chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước. Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã đảm trách vai trò dẫn dắt và nâng đỡ thị trường chứng khoán trong nhiều thời điểm và giai đoạn vừa qua, trong khi giá của chúng phần lớn đã đạt được các mức cao mới trong các giai đoạn hưng phấn của thị trường.

Do vậy, chia cổ tức bằng cổ phiếu hay chào bán riêng lẻ hoặc cho cổ đông chiến lược trong giai đoạn này nói chung là sẽ có hiệu quả cao về chi phí tăng vốn, trong khi được thị trường, cổ đông và đối tác ngân hàng đón nhận nồng nhiệt, ngay cả ở những ngân hàng bao năm nay chưa chia cổ tức bằng tiền mặt, từng làm cho nhiều cổ đông chán nản.

Điều kiện thuận lợi như vậy nhưng cũng còn nhiều ngân hàng không có ý định tăng vốn thì sao, ông nhìn nhận thế nào về nhóm này?

Tình hình thuận lợi này đúng là đặt ra câu hỏi cho các ngân hàng chưa hoặc không có động thái hoặc kế hoạch tăng vốn, với nhiều trong số đó là các ngân hàng nhỏ. Với những ngân hàng này, nói rằng họ có thế mạnh riêng trong những phân khúc hoạt động chủ yếu của mình như cho vay tiêu dùng, mua ô tô, bất động sản v.v… nên không có nhu cầu phải tăng vốn thì e là hơi khiên cưỡng. Bởi xu hướng chung hiện nay là các ngân hàng đều theo đuổi chiến lược phát triển hơn nữa mảng bán lẻ, đặc biệt với sự giúp sức của công nghệ số, làm cho những lĩnh vực truyền thống, thường chỉ dành riêng cho các ngân hàng nhỏ hơn theo kiểu “năng nhặt chặt bị” đã và sẽ tiếp tục bị thôn tính bởi các ngân hàng lớn hơn.

Diễn biến trên dẫn đến khả năng còn lại là các ngân hàng nhỏ hơn dù muốn tăng vốn nhưng đang nhìn thấy những trở ngại trong việc tăng vốn, chẳng hạn như giá và triển vọng về giá cổ phiếu không được tốt như các đối thủ, làm giảm sự quan tâm, đón nhận của nhà đầu tư và cả cổ đông, trước vô số lựa chọn còn hấp dẫn hơn nhiều trong cùng ngành, và các ngành nghề, lĩnh vực khác trên thị trường chứng khoán.

Cũng có một số ngoại lệ với các ngân hàng lớn chưa có, chưa công bố kế hoạch tăng vốn, gồm các ngân hàng có vốn nhà nước. Lý do có thể là do vẫn phải đợi cơ quan chức năng nhà nước phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ, dù các ngân hàng này đã có tờ trình về phương án tăng vốn điều lệ từ năm 2020. Và cũng không thể phủ nhận khả năng một số ngân hàng đang trong tình trạng “wait and see” (chờ xem ra sao) trước khi có hành động cụ thể.

Trong kế hoạch tăng vốn năm nay, có những ngân hàng muốn tăng mạnh vốn, điển hình như MB muốn tăng lên gần 39 nghìn tỷ đồng, khi đó sẽ vượt cả ngân hàng có vốn nhà nước như VietinBank và Vietcombank, theo ông điều này sẽ có ý nghĩa gì?

Tuy “lớn” (hơn) không nhất thiết là “mạnh” (hơn), nhưng việc các ngân hàng lớn đều mong muốn được… lớn hơn nữa, vì các mục đích như nói ở trên, tự thân nó cho thấy muốn mạnh hơn thì phải có vốn nhiều hơn, như một điều kiện cần. Giả sử VietinBank và Vietcombank vẫn phải đợi xét duyệt và không biết bao giờ mới được tăng vốn thì việc MB vượt mặt chỉ là chuyện tính bằng tháng. Lúc đó, thị phần các ngân hàng thương mại, chí ít là thị phần dư nợ tín dụng, sẽ có sự phân chia lại, nghiêng về những ngân hàng được tăng và tăng được vốn như MB.

Thực ra điều trên cũng không có nhiều ý nghĩa lắm ngoại trừ cái danh xưng và vai trò “dẫn dắt” của ngân hàng thương mại có vốn nhà nước sẽ bị hao tổn ít nhiều, và có lẽ vì điều này, Nhà nước sẽ phải làm một cái gì đó. Liên hệ xa hơn chút nữa, theo đề án phát triển các doanh nghiệp nhà nước lớn mới đây, Vietcombank được chọn đóng vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Nay với sự soán ngôi của MB thì việc “đề cử” Vietcombank có lẽ cần phải được xem lại.

Nếu kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng đều được cổ đông thông qua, điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến thị trường chứng khoán và nền kinh tế?

Chỉ tính sơ sơ các ngân hàng đã công bố kế hoạch tăng vốn gần đây thì số vốn tăng mới đã lên đến gần 60 nghìn tỷ đồng – một con số không phải là nhỏ. Nhưng để biết con số này có ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán hay không thì phải đặt nó trong một bối cảnh rộng lớn hơn. Về phía cung, sẽ có bao nhiêu ngân hàng và doanh nghiệp lớn trong các ngành khác sẽ phát hành chứng khoán và trái phiếu, hoặc niêm yết lên sàn, lợi dụng cơ hội thuận lợi hiện nay? Về phía cầu, vốn được dẫn dắt và bị chi phối một phần lớn bởi chính sách tiền tệ, NHNN sẽ duy trì sự nới lỏng như hiện tại được bao lâu nữa?

Có một điểm đáng lưu ý là xu hướng lãi suất sẽ có khả năng tăng trong phần còn lại của năm nay để giảm áp lực lạm phát được dự đoán sẽ tăng. Lúc đó, và chỉ xét đến riêng ngành ngân hàng, con số gần 60 nghìn tỷ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản trong nền kinh tế và làm tăng áp lực lên lãi suất hơn nữa. Đó là chưa kể khả năng các ngân hàng khác cũng sẽ tham gia vào cuộc đua tăng vốn.  

Xin cảm ơn những ý kiến của chuyên gia!