Dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu có chiều dài khoảng 53,7km. Trong đó: điểm đầu tại kết nối với tuyến tránh quốc lộ 1 qua thành phố Biên Hòa; điểm cuối tại km53+700 giao với quốc lộ 56 thuộc thành phố Bà Rịa. Đường cao tốc này được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Giai đoạn 1 đầu tư với quy mô mặt cắt ngang từ 4 làn xe đến 6 làn xe theo từng đoạn tuyến: đoạn từ điểm đầu dự án đến nút giao Long Thành (giao với đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây) 4 làn xe; đoạn từ nút giao Long Thành đến nút giao Tân Hiệp (giao với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành) 6 làn xe; đoạn từ nút giao Tân Hiệp đến điểm cuối dự án 4 làn xe.
Dự kiến dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu thực hiện theo hình thức đối tác công – tư (PPP), loại hợp đồng BOT. Thời gian chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án từ năm 2021 đến năm 2026.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án 19.616 tỉ đồng gồm phần vốn của nhà đầu tư khoảng 12.987 tỉ đồng, phần vốn nhà nước tham gia trong dự án khoảng 6.629 tỉ đồng cho bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư.
Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải là cơ quan có thẩm quyền với dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.
Bộ này có nhiệm vụ thực hiện đăng tải thông báo mời khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư đối với dự án; chủ trì, phối hợp với các cơ quan tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án, triển khai thủ tục thẩm định, phê duyệt dự án; tổ chức triển khai thực hiện dự án theo đúng quy hoạch được duyệt và các quy định pháp luật có liên quan.
Mục tiêu dự án là đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải và đảm bảo an toàn giao thông trên quốc lộ 51; hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ các tuyến đường bộ cao tốc có năng lực lớn, an toàn giao thông và tốc độ cao trên hành lang vận tải Tp.HCM – Vũng Tàu, phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép – Thị Vải, sân bay quốc tế Long Thành, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung.