Giá vàng giao ngay chiều nay theo giờ Việt Nam đã tăng 0,8% lên 1.805,51 USD/ounce, sau khi có lúc đạt mức cao nhất kể từ 17/6 là 1808,91 USD; vàng kỳ hạn tháng 8 tăng mạnh hơn, thêm 1,3% lên 1.806,30 USD/ounce.
Trong nước, giá vàng mấy phiên gần đây cũng liên tiếp tăng. Chiều 6/7, Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết vàng mua vào – bán ra ở mức 56,80 – 57,42 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và chiều bán ra so với đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/7; Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng mua vào 56,78 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 57,32 triệu đồng/lượng, tăng 80.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 20.000 đồng/lượng ở bán ra so với đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/7.
Margaret Yang, chiến lược gia của DailyFX, cho biết: “Chủ yếu là do đồng đô la Mỹ suy yếu đang thúc đẩy giá vàng. Vàng đã bị bán tháo mạnh mẽ sau cuộc họp tháng 6 của Ủy ban Thị trường Mở của Fed (FOMC) và giờ đến lúc thị trường bình tĩnh trở lại, người mua vàng đã quay lại thị trường, xuất hiện cả những kỳ vọng giá tăng”.
Chỉ số dollar index hôm nay giảm 0,2%, rời xa khỏi mức cao nhất trong vòng 3 tháng – đã đạt được hồi tuần trước – khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Thương mại toàn cầu hồi phục giúp củng cố tài khoản vãng lai của các nền kinh tế mới nổi, giúp cho ngân hàng trung ương của các nước này có thêm lựa chọn mua thêm vàng.
Ngoài ra, theo James Steel, trưởng nhóm phân tích kim loại quý của HSBC Holdings Plc, giá dầu thô tăng cũng đang thúc đẩy hoạt động mua vàng miếng của các nhà xuất khẩu dầu, bao gồm cả Kazakhstan. Ông Steel nhận định xu hướng các nước xuất khẩu dầu tăng cường mua vàng sẽ còn tiếp diễn.
“Nếu một ngân hàng trung ương đang xem xét việc đa dạng hóa, thì vàng là một lựa chọn tuyệt vời để giảm sự tập trung vào đồng USD mà không cần phải đau đầu lựa chọn những loại tiền tệ khác.
Trên thực tế, các ngân hàng trung ương (NHTW) của Serbia, Thái Lan, Kazakhstan , Ấn Độ… đã tăng cường nắm giữ vàng. Mới đây, NHTW Ghana cũng công bố kế hoạch mua vàng nhằm đối phó với mối đe doạ lạm phát tăng nhanh và đa dạng hoá lượng dự trữ.
Riêng trong tháng 5/2021, NHTW Thái Lan đã mua 46,7 tấn vàng, Thổ Nhĩ Kỳ mua 8,6 tấn đưa tổng dự trữ chính thức lên 415 tấn; Brazil mua 11,9 tấn, là lần bổ sung đầu tiên kể từ tháng 11/2012, nâng dự trữ vàng lên 79,3 tấn. Một số nước khác cũng tăng dự trữ vàng như Kazakhstan (5,3 tấn), Ba Lan (1,9 tấn), và Ấn Độ (0,9 tấn)…
Triển vọng giá vàng thế nào?
Tâm điểm chú ý của thị trường vàng tuần này là biên bản cuộc họp mới nhất của Fed, dự kiến sẽ công bố vào ngày thứ Tư (7/7) để giúp làm sáng tỏ quan điểm của các nhà hoạch định chính sách Mỹ về lạm phát và chính sách tiền tệ, sau khi Fed đã tỏ ý nghiêng về quan điểm ‘diều hâu”, theo đó dự kiến sẽ bắt đầu nâng lãi suất vào năm 2023 – sự kiện đã đẩy giá vàng xuống dưới mức 1.800 USD trong gần 3 tuần qua.
Nhà phân tích cấp cao Ricardo Evangelista của ActivTrades cho biết giá vàng có thể tăng sẽ hơn nữa “với điều kiện không có sự thay đổi lớn nào về ‘giọng điệu’ trong biên bản cuộc họp mà Fed sẽ công bố vào ngày mai”.
Lãi suất tăng sẽ làm cho vàng thỏi trở nên kém hấp dẫn vì vàng vốn không mang lại lợi nhuận bằng hình thức lãi suất. Tuy nhiên, ít nhất trong nhiều tháng tới, Fed vẫn giữ lãi suất ở mức 0% – 0,25% và tiếp tục mua tài sản trị giá 120 tỷ USD mỗi tháng.
Avtar Sandu, giám đốc phụ trách mảng hàng hóa cấp cao của Phillip Futures, cho biết: “Giá vàng có thể giữ vững mức tăng gần đây nhưng khó duy trì trên ngưỡng kháng cự 1.800 USD cho đến khi biên bản cuộc họp mới nhất của Fed được công bố”.
Xu hướng tăng lãi suất đang diễn ra trên toàn cầu. Ngân hàng trung ương Australia mới đây thông báo duy trì lãi suất tiền mặt ở mức thấp kỷ lục 0,1% và cho biết tỷ lệ này có khả năng duy trì ở đó cho đến năm 2024, song đã ngừng chiến dịch mua trái phiếu.
Fed dự định nâng lãi suất, song lộ trình 2 đợt tăng lãi suất theo kế hoạch dự kiến sẽ diễn ra sau 1,5 năm nữa, và dự kiến cũng không mang lại lãi suất thực cao bởi NHTW sẽ bắt đầu bắt kịp tốc độ lạm phát.
Các nhà kinh tế cho rằng tốc độ bình thường hóa chính sách và tác động của điều đó đối với thị trường vàng sẽ phụ thuộc vào việc kinh tế và thị trường có tiếp tục hồi phục hay không? Và lạm phát có phải chỉ là tạm thời hay kéo dài?
Nền kinh tế Mỹ đang phục hồi tốt sau đợt suy thoái do COVID-19. Đây không phải là tin tốt đối với vàng khi các nhà đầu tư ngày càng ưa thích các tài sản rủi ro có lợi suất cao hơn. Với số lượng kích thích tiền tệ và tài khóa, nền kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ được thúc đẩy đi lên hơn nữa.
Câu hỏi đặt ra là: Liệu động lực có duy trì được không nếu sự hỗ trợ giảm đi? Nếu kinh tế tăng trưởng bền vững và Fed bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn, vàng sẽ gặp khó khăn.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu tăng trưởng không bền vững hoặc dễ gặp rủi ro đến mức quay đầu giảm sút? Ví dụ, mức tăng việc làm ít đi trong những tháng gần đây đã khiến tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở Mỹ cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch.
Do đó, việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ quá sớm có thể khiến sự phục hồi kinh tế của Mỹ đi chệch hướng. Với những tổn thất và tốn kém sau đại dịch, việc tăng lãi suất dù nhỏ cũng có thể nguy hiểm. Thậm chí có thể gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế bằng cách tăng chi phí trả nợ của các doanh nghiệp và chính phủ. Những yếu tố đó là lý do chính đáng để Fed có thể sẽ không sớm thay đổi chính sách tiền tệ, tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất như hiện nay – yếu tố có lợi cho vàng.
Lợi suất trái phiếu cũng là yếu tố tác động mạnh đến giá vàng, bởi giống như USD, trái phiếu chính phủ cũng là một tài sản cạnh tranh trực tiếp với vàng trong danh mục đầu tư của nhà đầu tư. Vàng, giống như các kim loại quý khác, không có cổ tức, lợi tức hoặc lãi suất, do đó việc lợi suất trái phiếu Mỹ tăng – quan trọng là lợi suất thực – là một vấn đề lớn đối với vàng. Trong 5 năm qua, lợi suất thực tế của trái phiếu Mỹ Mỹ tăng thường tương quan với mức giảm của giá vàng.