Nếu so với quãng thời gian cùng kỳ năm ngoái, giá trị bình quân mỗi phiên đã tăng gấp 2 lần. Bình quân mỗi ngày các ngân hàng vay mượn nhau 147.000 tỷ đồng…
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tuần từ 3-7/5, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng bằng VND đạt xấp xỉ 569.617 tỷ đồng. Chia bình quân mỗi phiên đạt 113.923 tỷ đồng/ngày, tương đương tăng 14.072 tỷ đồng/ngày so với tuần cuối cùng của tháng 4.
Bên cạnh đó, giao dịch bằng USD quy đổi ra VND trong kỳ đạt khoảng 165.997 tỷ đồng, bình quân 33.199 tỷ đồng/ngày, tăng 854 tỷ đồng/ngày so với tuần liền trước.
Như vậy, bình quân mỗi ngày các tổ chức tín dụng vay mượn nhau tới hơn 147.000 tỷ đồng, tăng gần 15.000 tỷ đồng mỗi ngày, tương đương tăng 14% so với tuần trước đó. Thậm chí, nếu so với quãng thời gian cùng kỳ năm ngoái, giá trị bình quân mỗi phiên đã tăng gấp 4 – 5 lần.
Theo kỳ hạn, các giao dịch VND chủ yếu tập trung tại kỳ hạn qua đêm (78% tổng doanh số giao dịch) và kỳ hạn 1 tuần (8% tổng doanh số giao dịch). Đối với giao dịch USD, các kỳ hạn có doanh số lớn nhất là kỳ hạn qua đêm và 1 tuần với tỷ trọng lần lượt là 72% và 15%.
Đáng chú ý, đi cùng diễn biến tăng vay mượn lẫn nhau, lãi suất cho vay cũng đang nhích lên. Chỉ tính riêng lãi suất kỳ hạn qua đêm cũng đã tăng gấp đôi so với tháng trước và cao hơn mức trung bình của cả năm 2020 (dưới 1,15%).
Hiện chốt phiên giao dịch hôm qua (12/5), các mức lãi suất chào bình quân liên ngân hàng tiếp tục tăng 0,01 – 0,05 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống. Cụ thể giao dịch tại qua đêm 1,22%; 1 tuần 1,28%; 2 tuần 1,38% và 1 tháng 1,47%.
Theo đánh giá của các chuyên gia, lãi suất liên ngân hàng tăng hay ngân hàng tăng vay mượn nhau thể hiện một điều duy nhất là thanh khoản hệ thống bớt dồi dào.
Tuy nhiên, do đợt dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, cầu tín dụng dự kiến sẽ bị kéo xuống. Đồng thời, kể từ đầu năm 2021, Ngân hàng Nhà nước chính thức chuyển sang phương thức mua ngoại tệ có kỳ hạn 6 tháng, nếu không có thay đổi lớn, những khoản tiền đầu tiên sẽ đổ về các ngân hàng thương mại tại thời điểm đầu tháng 7.
Vị vậy, các chuyên gia dự báo lãi suất liên ngân hàng sẽ sớm bình ổn trở lại. Trong trường hợp nhu cầu tín dụng tăng thấp quá, Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng còn phải hút bớt tiền về thông qua các công cụ điều hành, chỉ để một mượng vừa đủ nhằm tránh áp lực lạm phát.
Quay lại với diễn biến ngày hôm qua, mặc dù lãi suất liên ngân hàng có tăng nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức lãi suất hỗ trợ 2,5% của Ngân hàng Nhà nước nên không có tổ chức tín dụng nào tiếp cận nguồn tiền này, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố vẫn ở mức 0.
Trên thị trường ngoại tệ, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng chốt phiên ở mức 23.065 VND/USD, tăng 10 VND so với phiên trước đó.
Trái lại, tỷ giá trên thị trường tự do vẫn tiếp tục giảm mạnh 130 VND ở chiều mua vào và 100 VND ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.250 – 23.350 VND/USD.