Tiếp theo Báo cáo đánh giá sơ bộ tác động của dịch bệnh Covid-19 đến kinh tế thế giới và Việt Nam (ngày 11/2/2020); Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV thực hiện Báo cáo cập nhật đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 và kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020. Báo cáo tập trung vào bốn nội dung chính: (i) Tổng quát diễn biến đại dịch Covid-19 trên thế giới; (ii) Tác động của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế thế giới năm 2020; (iii) Cập nhật đánh giá tác động và kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020; và (iv) Một số kiến nghị chính sách.
Tổng quát diễn biến đại dịch Covid-19
Từ ngày 8/12/2019, sự bùng phát của dịch Covid-19 tại Trung Quốc đã và đang tác động rất lớn tới kinh tế toàn cầu. Ngày 11/3/2020, WHO đã chính thức tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Đến nay, khi dịch tại Trung Quốc tạm lắng xuống, thế giới lại phải hứng chịu làn sóng bùng phát của dịch (“giai đoạn 2”), thậm chí còn tác động mạnh hơn so với “giai đoạn 1” từ Trung Quốc. Đặc biệt, từ cuối tháng 2/2020, dịch có diễn biến khó lường, nhiều nền kinh tế hàng đầu đã trở thành ổ dịch mới và có diễn biến rất phức tạp như Mỹ, EU (Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Đức,…v.v), Anh, Nhật Bản, Trung Đông, Trung Á,…v.v.
Tính đến ngày 10/4/2020, dịch bệnh đã lây lan tới 209 quốc gia và vùng lãnh thổ, với gần 1,6 triệu ca nhiễm và gần 95 nghìn ca tử vong (trong đó, chỉ trong vòng 1 tháng gần nhất, số ca nhiễm tăng gần 20 lần và số ca tử vong tăng 36 lần). Diễn biến dịch tại nhiều nước, đặc biệt là Mỹ, châu Âu, Anh hiện vẫn hết sức phức tạp; nhiều nước, thành phố phải áp dụng quyết liệt các biện pháp cách ly, phong tỏa, nhiều hoạt động kinh tế bị đình trệ. Các tổ chức và chuyên gia y tế đều chưa xác định được đỉnh ngoài Trung Quốc; cũng như chưa thể xác định được khi nào dịch bệnh sẽ được kiểm soát và kết thúc. Có thể thấy mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh vẫn tiếp tục trầm trọng, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, sản xuất và tiêu thụ toàn cầu.
Tác động của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế thế giới năm 2020
Tác động của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế thế giới cả tổng cung và tổng cầu. Các hoạt động kinh tế – xã hội bị ngưng trệ do các lệnh phong tỏa, cách ly, hạn chế đi lại, phòng chữa bệnh, gián đoạn quá trình sản xuất – kinh doanh do thiếu hụt nguồn cung đầu vào cũng như bị “đóng băng” hoặc suy giảm mạnh đầu ra do sức cầu rất yếu.
Kinh tế thế giới đã chịu tác động tiêu cực và đã xuất hiện 6 dấu hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra: (i) Tăng trưởng GDP sụt giảm mạnh, thậm chí tăng trưởng âm; (ii) Tình trạng thất nghiệp/số đơn xin trợ cấp tăng nhanh, đặc biệt là ở Mỹ; (iii) Thị trường chứng khoán tại nhiều nước giảm sâu từ 20-30%, chỉ số rủi ro (VIX) trên thị trường tăng đột biến – thể hiện niềm tin nhà đầu tư và sức khỏe doanh nghiệp ở mức rất thấp; (iv) Diễn biến giá dầu sụt giảm mạnh (trên 50%) do lo ngại về nhu cầu giảm mạnh; (iv) Giá vàng biến động mạnh, với biên độ dao động cao, thể hiện mức độ rủi ro và nhà đầu tư tìm kiếm kênh đầu tư an toàn hơn; (v) Chỉ số sản xuất tại hầu hết các nước suy giảm mạnh cho thấy ảnh hưởng của việc gãy chuỗi cung ứng, tạm dừng sản xuất, kinh doanh; và (vi) Thương mại toàn cầu và doanh số bán lẻ sụt giảm (thể hiện sức cầu tiêu dùng yếu ớt).
Về tăng trưởng kinh tế, nhiều nền kinh tế lớn và khu vực có chung xu hướng suy giảm, thậm chí chính thức bước vào giai đoạn suy thoái. Tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý 1 ước đạt 1,4% và dự báo tăng trưởng âm 2,3% trong quý 2, cả năm -0,5%, thấp hơn nhiều so với năm 2019 (tăng 2,3%). Trong khi đó, dự báo tăng trưởng kinh tế của EU, ở mức -0.6% (quý 1), -13,8% (quý 2) và -8,4% cả năm 2020; kinh tế Trung Quốc dự báo có mức tăng trưởng -8% trong quý 1/2020, +2,5% quý 2 và hồi phục tăng trưởng về mức 2,4% cả năm 2020 (Hình 1).
Hình 1: Tăng trưởng kinh tế thế giới và các nước Quý 1, dự báo Quý 2 và cả năm 2020 (%, yoy)