Trung Quốc đang từng bước giải cứu các nhà phát triển bất động sản
3 tháng trước, giới chức Trung Quốc đã giải cứu công ty quản lý nợ lớn nhất nước này khỏi nguy cơ sụp đổ gây hậu quả tàn khốc. Giờ đây, họ đang biến Huarong Asset Management Co. và các công ty cùng ngành trở thành “tuyến phòng thủ” chính cho hệ thống tài chính 54 nghìn tỷ USD, trong bối cảnh các vụ vỡ nợ của lĩnh vực bất động sản tăng cao.
Trong một dấu hiệu cho thấy tình hình ngày càng cấp bách với việc ổn định nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã yêu cầu Huarong và những công ty quản lý tài sản khác (được gọi là AMC) mua tài sản bất động sản từ các nhà phát triển mắc nợ trong những tuần gần đây. Ngoài ra, họ cũng lập kế hoạch tiếp quản hoặc tái cơ cấu các tổ chức cho vay nhỏ hơn.
Giới chức nước này cũng đang cân nhắc thực hiện đợt tài trợ mới cho các AMC. Đây là một động thái sẽ giúp họ có thêm tiềm lực để ngăn chặn những căng thẳng trên thị trường bất động sản ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng. Với bước đi này, Huarong và các công ty cùng ngành sẽ có sự trở lại như mục đích thành lập ban đầu, nhằm giúp Bắc Kinh giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính vào cuối những năm 1990.
Năm ngoái, Huarong đã vỡ nợ khi công ty này bành trướng hơn nhiều so với quy mô ban đầu. Song, họ vẫn là một trong những công ty dày dặn kinh nghiệm nhất ở Trung Quốc trong việc tái cơ cấu những khoản nợ khó đòi, bao gồm cả ngành bất động sản. Khoảng 40% tài sản trong hệ thống ngân hàng ở quốc gia này có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến bất động sản, theo Citigroup.
May Hu – thành viên ban lãnh đạo của nhóm giải pháp tái cấu trúc danh mục và dịch vụ của KPMG, cho hay: “Rủi ro trong lĩnh vực bất động sản và các ngân hàng nhỏ đang tích tụ, cần được giải quyết khẩn cấp.”
Huarong nằm trong số các định chế tài chính đang đàm phán với nhà phát triển uy tín Shimao Group Holdings Ltd. về việc mua lại tài sản. Trong khi đó, China Cinda Asset Management Co. đang tham gia kế hoạch đề xuất tái cơ cấu Evergrande, nhằm kêu gọi 1 nhóm nhà đầu tư tiếp quản các bất động sản khó bán từ nhà phát triển này. Tuần trước, China Orient Asset Management Co. đã nhận được sự chấp thuận bán số trái phiếu trị giá 10 tỷ NDT để giúp loại bỏ rủi ro của các nhà phát triển lớn.
Muse Zheng – tổng giám đốc của Great Financial Asset Management Co., cho hay: “Các AMC lớn được cho là ứng cử viên phù hợp nhất hay thậm chí là duy nhất để đóng vai trò thay mặt chính phủ giải quyết những rủi ro này. Đây là một cơ hội lớn cho các nhà quản lý nợ này, khi họ đang gặp áp lực lớn để vực dậy ngành kinh doanh cốt lõi trong những năm gần đây.”
Song, khả năng “giải cứu” trên quy mô lớn của các AMC đối với lĩnh vực bất động sản cũng bị hạn chế bởi vấn đề về thanh khoản và vốn của chính họ, trừ khi có hỗ trợ về chính sách, theo China International Capital Corp.
Sự ra đời của các công ty quản lý nợ xấu
4 nhà quản lý nợ xấu đang có tổng số tài sản trị giá 5 nghìn tỷ NDT và khoảng 62 tỷ USD tiền mặt, theo Bloomberg Intelligence. Trong khi đó, tổng nợ phải trả của 38 nhà phát triển Trung Quốc được Fitch Ratings xếp hạng BB hoặc thấp hơn lên tới 1,3 nghìn tỷ USD (không bao gồm các khoản nợ nằm ngoài bảng cân đối kế toán).
Huarong, Cinda, Orient và China Great Wall Asset Management Co. được Trung Quốc thành lập trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đang diễn ra. Mục đích là bảo vệ các ngân hàng quốc doanh đang trên bờ vực vỡ nợ. 4 công ty này đã vay NHTW và bán trái phiếu đặc biệt để mua hàng nghìn tỷ NDT các khoản nợ khó đòi trong thời hạn 10 năm.
Cuối cùng, họ đã thu hồi được khoảng 20% tiền mặt từ các khoản vay đã được xử lý. Sau khi sứ mệnh đó kết thúc, các AMC đã mở rộng hoạt động sang nhiều lĩnh vực, từ bảo hiểm, cho thuê cho đến môi giới và dịch vụ tín chấp thông qua các khoản vay rẻ từ thị trường trong và ngoài nước. Họ đã trở thành những “ngân hàng ngầm” quy mô lớn.
Huarong là cái tên nổi bật nhất, đặc biệt là dưới thời cựu chủ tịch Lai Xiaomin – người đã nhận án tử hình vì các tội danh trong đó có tham nhũng vào đầu năm ngoái. Sau đó, công ty này đã khiến thị trường nợ châu Á chao đảo khi không công bố báo cáo thường niên đúng hạn, với khoản nợ 15,9 tỷ USD trong năm 2020. Dù cuộc khủng hoảng này đã nhận được 6,6 tỷ USD hậu thuẫn từ 1 nhóm nhà đầu tư gồm Citic Group, nhà đầu tư vẫn lo ngại về triển vọng tăng trưởng dài hạn của ngành này.
Liệu các công ty từng vỡ nợ có giúp được những công ty sắp vỡ nợ?
Kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với nhiều mối rủi ro trong năm nay, đó là chống chọi với cuộc khủng hoảng vỡ nợ trong lĩnh vực bất động sản và đại dịch vẫn đang tiếp diễn. Ngành bất động sản sẽ cần ít nhất 140 tỷ USD để thanh toán các trái phiếu đáo hạn, trái phiếu coupon và các sản phẩm ủy thác trong năm nay. Ở các ngân hàng, các khoản nợ chưa thanh toán của các công ty bất động sản đã đạt mức 51,4 nghìn tỷ NDT tính đến tháng 9, chiếm 27% tổng lượng cho vay của cả nước và cao hơn bất kỳ ngành nào.
Tính đến cuối tháng 12, tổng giá trị các khoản nợ xấu đã tăng lên mức kỷ lục là 2,85 nghìn tỷ NDT, các ngân hàng ở thành thị và nông thôn ghi nhận mức tăng nhanh nhân. PBOC đã dán nhãn 422 định chế tài chính là những tổ chức có rủi ro cao vào năm ngoái, với hầu hết là các ngân hàng nông thôn nhỏ.
Các nhà cho vay địa phương quy mô nhỏ đã và đang là mối lo ngại đối với Trung Quốc kể từ giữa năm 2019, khi các cơ quan quản lý nắm quyền kiểm soát 1 ngân hàng ở Nội Mông. Từ năm 2020, ngành ngân hàng nước này đã có ít nhất 20 vụ sáp nhập liên quan đến các ngân hàng nhỏ hơn và các công ty quản lý nợ xấu đóng vai trò chủ chốt, khi mua một lượng lớn các khoản nợ xấu hoặc cung cấp dịch vụ tư vấn tái cấu trúc.
Theo ước tính của Bloomberg Intelligence, Huarong, Cinda và các nhà quản lý nợ xấu khác có thể giúp các ngân hàng tránh tác động lây lan từ các khoản vay trong lĩnh vực bất động sản đang có vấn đề với giá trị 126 tỷ NDT.
Tham khảo Bloomberg