Trong báo cáo cập nhật ngành dược mới đây, Bộ phận phân tích của CTCK SSI (SSI Research) cho biết đợt bùng phát COVID-19 lần thứ tư đã ảnh hưởng tiêu cực đến các công ty dược phẩm, do tình trạng giãn cách xã hội kéo dài trên toàn quốc đã gây ra sự gián đoạn trong hoạt động cung ứng và phân phối thuốc.
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2021, ước tính tổng doanh thu dược phẩm tại Việt Nam đã giảm 11% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu từ các cửa hàng thuốc bán lẻ giảm 3% và doanh thu tại bệnh viện giảm 16%. Đặc biệt ở phía nam, các công ty dược phẩm như IMP, DHG và OPC đã phải cắt giảm sản lượng từ 20 – 30% trong tháng 7 và tháng 8 để thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội. Ngoài ra, nhiều bệnh viện ở miền Nam đã được chuyển đổi thành trung tâm điều trị Covid-19, khiến doanh thu dược phẩm giảm đáng kể, do kênh bệnh viện chiếm hơn 60% nhu cầu của ngành.
Tưởng chừng ngành dược sẽ được hưởng lợi trong bối cảnh dịch bệnh, song SSI Research có quan điểm ngược lại khi đánh giá rất ít doanh nghiệp trong nước được hưởng lợi từ hoạt động nhập khẩu vắc xin hoặc thuốc điều trị COVID-19. Thực tế đã cho thấy, đến nay chỉ có VNVC thực hiện được do quy trình nhập khẩu rất phức tạp trong khi nguồn cung vắc xin khan hiếm. Bên cạnh đó, chỉ có một số ít công ty trong nước như Traphaco (TRA) hoặc Phytopharma được hưởng lợi gián tiếp thông qua việc cung cấp các thực phẩm chức năng và đông dược dược, có tác dụng làm dịu đi các triệu chứng bệnh.
Về triển vọng ngành cho khoảng thời gian cuối năm 2021 và sang cả năm 2022, SSI Research kỳ vọng vào tác động tích cực từ việc giá hoạt chất đầu vào dược phẩm toàn cầu (API) đã hạ nhiệt nhanh chóng do Ấn Độ đã nối lại sản xuất và chuẩn bị tăng thêm công suất. Theo đó, giá API nhập khẩu về Việt Nam tiếp tục giảm trong vài tháng cuối năm 2021.
SSI Research kỳ vọng sẽ có thêm nhiều nhà cung cấp tiếp cận thị trường dược phẩm Việt Nam từ nửa cuối năm 2021 và giá nguyên liệu đầu vào của các công ty trong nước sẽ sớm giảm từ mức cao và tỷ suất lợi nhuận sẽ cải thiện từ năm 2022.