Ngày 20/1, anh Nguyễn Ngọc Th. (27 tuổi, Hà Nội) test nhanh dương tính với COVID-19 kèm các triệu chứng ho, sốt nhẹ, ớn lạnh và ngạt mũi. Anh bắt đầu điều trị tại nhà bằng cách uống thuốc trị các triệu chứng, xông hơi. Tuy nhiên, vì ở một mình, anh không nhờ ai phụ giúp việc nấu nướng, giặt giũ. Mọi việc nhà anh làm hết từ A – Z.
“Nhiều hôm mệt nên tôi cũng chỉ ăn uống qua loa, hoặc úp mỳ tôm và cho thêm quả trứng cho xong bữa. Đến ngày 27/1, tôi xét nghiệm âm tính. Cứ ngỡ sẽ thoát kiếp sống chung với COVID. Ấy thế, gần đây tôi gặp nhiều triệu chứng như mệt mỏi, mất ngủ nhiều đêm, đi bộ nhiều thì tim nhói lên, nói chuyện đứt đoạn không thở nổi. Tôi đi khám thì được chẩn đoán là do hậu COVID-19 “, anh Thủy cho hay.
Tương tự, chị Vũ Thị Tr. (24 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) cho biết chị cũng mắc COVID-19 trước Tết âm lịch chỉ vài ngày, chị đành phải ở lại nhà trọ cách ly một mình những ngày Tết. Trong những ngày điều trị COVID, chị Trang chỉ bị ngạt mũi nhẹ và hơi đau đầu 1 – 2 ngày đầu tiên. Đến ngày thứ 5 chị test nhanh thì cho kết quả âm tính. Cứ nghĩ COVID trôi đi nhẹ nhàng như vậy, nhưng đến nay, chị có nhiều biểu hiện như hụt hơi, rụng tóc, đặc biệt là giảm cân. Bình thường chị vẫn giữ mức cân 45kg, thế nhưng từ sau khi mắc COVID, chị xuống tận 2kg, nhìn người vô cùng xơ xác và mất sức sống.
“Mặc dù tôi vẫn ăn đầy đủ, thậm chí là ăn nhiều hơn, muốn ngủ nhiều hơn. Thế nhưng cân nặng chẳng thấy tăng, ngược lại còn giảm nhiều so với trước đây, khiến tôi khá sốc”, chị Trang cho hay.
Nguyên nhân gây hậu COVID
Đây chỉ là 2 trong rất nhiều trường hợp sau khi khỏi COVID thì gặp những di chứng hậu COVID-19 kể trên. Trao đổi với PV, BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy Cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng, bác sĩ cho biết những di chứng ở các trường hợp trên là do hậu COVID để lại. Những triệu chứng này có thể xảy ra với bất kỳ ai đã bị COVID-19, ngay cả khi bị bệnh nhẹ và kể cả khi họ không có triệu chứng ban đầu.
Nguyên nhân của biểu hiện này có thể là hậu quả của tình trạng viêm toàn thân do COVID-19 sau khi bệnh nhân âm tính, kết hợp tình trạng rối loạn thần kinh thực vật hậu COVID-19. Triệu chứng này có thể kéo dài vài tuần, thậm chí cả tháng.
“Tình trạng viêm toàn thân lan toả khiến khả năng trao đổi chất của cơ thể suy giảm. Ngoài ra, tình trạng rối loạn đông máu ở bệnh nhân vẫn còn. Trên các mạch máu lớn, tình trạng tăng đông có thể gây ra những nguy cơ như đột quỵ, thuyên tắc mạch phổi, nhồi máu cơ tim, tắc mạch chi… còn trên các mạch máu nhỏ, tình trạng tăng đông khiến việc cung cấp máu, oxy cho các cơ quan, tổ chức giảm đi”, BS Hoàng cho biết.