CTCP SXKD XNK Bình Thạnh (GIL) vừa thông qua nghị quyết góp vốn vào Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long với tổng số cổ phần sở hữu 18 triệu đơn vị, tương đương 180 tỷ đồng (chiếm 30% vốn điều lệ).
Được biết, Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long được thành lập vào tháng 4/2021, vốn điều lệ 600 tỷ đồng. Trong đó, cổ đông sáng lập gồm CTCP KCN Gilimex (sở hữu 65% vốn với 39 triệu cổ phần), Gilimex (nắm 30% vốn), CTCP XNK và Đầu tư Thừa Thiên Huế sở hữu 5% còn lại.
Được biết, chuỗi khu công nghiệp là một trong những chiến lược của GIL và dự kiến ghi nhận từ năm 2021. Theo kế hoạch Công ty công bố, GIL sẽ làm ít nhất 5 khu công nghiệp. Từ đầu năm, Công ty cũng liên tục rót vốn vào mảng khu công nghiệp.
Mới đây, Khu công nghiệp Gilimex đã công bố đầu tư dự án Khu công nghiệp Gilimex Quảng Ngãi trên diện tích 730 ha.
Trước đó, GIL cũng tham gia thành lập Khu công nghiệp Gilimex vào tháng 11/2019, vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Trong đó, cổ đông sáng lập gồm GIL (sở hữu 51% với 25,5 triệu cổ phần); Transimex (nắm 20% vốn với 10 triệu cổ phần), Garmex Sài Gòn (nắm 5% vốn, tương đương 2,5 triệu cổ phần), CTCP XNK và Đầu tư Thừa Thiên Huế (nắm 20% vốn) và Công ty TNHH May Thạnh Mỹ nắm 4% còn lại.
Khu công nghiệp Gilimex sẽ thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Phú Bài 4 tại Thừa Thiên – Huế. Dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 319/QĐ-TTg, quy mô sử dụng đất 460,85 ha, tổng vốn đầu tư 2.614 tỷ đồng.
Nhằm huy động vốn cho kế hoạch mở rộng trên, GIL cũng thông qua tờ trình phát hành riêng lẻ 16,8 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư, tương đương mức tăng vốn 168 tỷ đồng. Mục đích nhằm bổ sung cho nguồn vốn hoạt động, kinh doanh của công ty.
Đáng chú ý, giá chào bán riêng lẻ 16,8 triệu cổ phiếu GIL lần này chỉ ở mức 35.000 đồng/cố phiếu, đây là mức giá rất thấp so với thị giá của GIL trên thị trường. Từ khi thông tin chưa được công bố chính thức, biến động của cổ phiếu GIL trên TTCK đã có xu hướng đảo chiều với lượng bán ra mạnh.
Trước ý kiến của cổ đông về việc giá phát hành 35.000 đồng/cp là quá rẻ và đề xuất xem xét chuyển sang phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu, đại diện GIL cho biết việc xác định điều kiện hạn chế chuyển nhượng 3 năm là Công ty nhận thấy phù hợp với mục đích phát hành. Tuy nhiên, mỗi cổ đông sẽ có ý kiến khác nhau.
“Ngoài việc hạn chế chuyển nhượng 3 năm, cổ đông còn phải gắn bó đi cùng với GIL trong quá trình thực hiện các dự án của Công ty như chuỗi khu công nghiệp, khách sạn. Tất cả các cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư mới nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn này thì GIL sẵn sàng phát hành cho cổ đông đó. Ngoài giá phát hành thì Công ty còn cần nhiều yếu tố quan trọng khác để đáp ứng được điều kiện nhà đầu tư chiến lược”, đại diện GIL nói thêm.