Sau thời gian dài thực hiện Chỉ thị 16 tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM,… khách hàng rất nhớ nhung những món ăn khoái khẩu bên ngoài và khao khát chờ đợi thời điểm được nới lỏng để tới hàng quán họ yêu thích. Việc sử dụng dịch vụ giao đồ ăn tận nhà cũng không thể giúp người tiêu dùng “nguôi ngoai” nỗi nhớ vì họ mong muốn được trải nghiệm dịch vụ tại chỗ như trước đây.
Các chuyên gia dự báo có tới 90% khách hàng sẽ muốn dùng bữa ở bên ngoài ngay sau đại dịch do nhu cầu chi tiêu bị dồn nén trong suốt thời gian giãn cách vừa qua. Thật vậy, vào những ngày ngay sau khi hàng quán được phép mở cửa bán tại chỗ, hàng loạt nhà hàng tại TP. Hà Nội liên tục kín bàn phục vụ khách. Quý 4/2021 được kỳ vọng là thời điểm mà mức tiêu dùng bùng nổ mạnh mẽ, mở ra tương lai tích cực cho ngành F&B trong thời gian tới. Bởi vậy, các doanh nghiệp và chủ kinh doanh ngành dịch vụ ăn uống cần có sự linh hoạt trong phương pháp kinh doanh.
Phục vụ đa kênh
Trong 2 năm COVID-19, hình thức bán đồ ăn online phát triển rất mạnh mẽ, xuất hiện khá nhiều mô hình “bếp ảo” – không có không gian vật lý, chỉ có khu vực bếp, vốn đầu tư và phí vận hành thấp, hoạt động phụ thuộc vào đơn giao hàng.
Tuy nhiên, khách hàng tại Việt Nam vẫn ưa chuộng hình thức phục vụ tại chỗ hơn vì họ không chỉ mua đồ ăn, họ mua “phút giây của sự hạnh phúc”. Ăn uống từ lâu không còn là một nhu cầu cơ bản của con người, mà được nâng cấp lên thành một hình thức hưởng thụ và giải trí. Người Việt muốn thưởng thức những món ăn nóng hổi bốc khói nghi ngút, trải nghiệm trong không gian phong cách, được nhân viên phục vụ một dạ hai vâng. Quan trọng nhất, hình thức phục vụ tại chỗ giúp khách hàng cảm nhận không khí náo nhiệt khi “hòa nhập cộng đồng” và thỏa sức tụ tập với bạn bè, người thân,…