Đầu tháng 4/2017, Hãng thông tấn Tân Hoa xã đưa tin rằng Trung Quốc đã phát hiện ra một khu bảo tồn được cho là chứa 203 triệu tấn quặng mangan – mức mà chính quyền địa phương cho là lớn nhất ở châu Á.
Tân Hoa Xã trích dẫn lời chính quyền địa phương cho biết khu bảo tồn ở Tây Nam Quý Châu của Trung Quốc đã được phát hiện bởi văn phòng địa chất và thăm dò khoáng sản của tỉnh.
Dự trữ của “kho báu mangan” này có giá trị tiềm năng hơn 100 tỷ nhân dân tệ (14,50 tỷ USD), tờ báo cho biết thêm.
“Các mỏ quặng mới được phát hiện chiếm 60% tổng trữ lượng đã được chứng minh của Trung Quốc và sẽ làm giảm đáng kể sự phụ thuộc của nước này vào nhập khẩu”, Chen Yuchuan, nhà địa chất và học giả tại Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, nói với Tân Hoa xã.
Đây rõ ràng là một phát hiện có giá trị to lớn đối với riêng Trung Quốc. Hiện quốc gia này là nơi sản xuất hơn 90% sản phẩm mangan của thế giới, từ các chất phụ gia tăng cường thép đến các hợp chất cấp pin.
Trong khi đó, ai cũng biết rằng các dạng mangan có độ tinh khiết cao ngày càng trở nên quan trọng đối với ô tô chạy bằng pin, được Volkswagen AG và Tesla chào hàng trong những tháng gần đây như một sự thay thế khả thi cho các thành phần pin khác đắt tiền hơn.
Trong khi quặng mangan tương đối dồi dào trên thế giới, nó hầu như chỉ được tinh chế ở Trung Quốc. Chính vì vậy, với việc sở hữu kho báu mangan 100 tỷ NDT kể trên, sự thống trị ngày càng cao của Bắc Kinh với nguyên liệu quý này khiến nhiều quốc gia ái ngại. Thậm chí, nhiều nước từ Australia đến Botswana đều đang thúc đẩy sự phát triển của các dự án mangan cấp pin cũng như với các kim loại pin khác.
Scott Yarham, giám đốc kim loại của S&P Global Platts cho biết: “Họ phải mất nhiều năm và đầu tư số tiền lớn, nhưng Trung Quốc vẫn là quốc gia dẫn đầu về nhiều kim loại pin”.
KHO BÁU MANGAN GIÚP TRUNG QUỐC MẶC SỨC ĐẨY GIÁ NHIỀU NGUYÊN LIỆU
Dường như thấy được tầm quan trọng của mangan ngày một lớn, phía Trung Quốc cũng đã tiến hành những bước đi để thắt chặt kiểm soát của mình với đầu ra của loại nguyên liệu này.
Cụ thể, kể từ tháng 10, hàng chục nhà chế biến mangan của Trung Quốc chiếm phần lớn công suất toàn cầu đã tham gia một chiến dịch do nhà nước hậu thuẫn để thành lập “liên minh đổi mới mangan” – thứ được nhiều người trong ngành cho rằng giống như một tập đoàn sản xuất. Nhiệm vụ của liên minh này sẽ là kiểm soát tập trung đối với việc cung cấp các sản phẩm chính, điều phối giá cả, dự trữ và mạng lưới hỗ trợ tài chính lẫn nhau.
Liên minh mangan đã ghi nhận thành công trong năm nay trong việc hạn chế nguồn cung các sản phẩm chủ chốt, chủ yếu là phụ gia tăng cường thép, khiến giá của chúng tăng vọt hơn 50% trong ba tháng. Các công ty khai thác và người mua cho biết việc ép giá không nhắm mục tiêu vào các sulfat cấp pin quan trọng đối với cực âm pin EV, chỉ chiếm 2% sản lượng mangan — mặc dù giá sulfat cũng tăng cao hơn.
“Chúng tôi luôn theo đuổi chiến lược nhiều nhà cung cấp để có thể để tránh sự phụ thuộc từ một phía”, một phát ngôn viên của Volkswagen cho biết. Nhà sản xuất ô tô chạy điện lớn nhất châu Âu cho biết họ đang theo dõi công suất và nhu cầu để bảo vệ nguồn cung nguyên liệu.
Nói về sự thống trị của mangan ở Trung Quốc, phát ngôn viên của Nissan Motor – công ty sản xuất chiếc Leaf bán chạy nhất thì đang “nỗ lực để đa dạng hóa rủi ro”, bao gồm cả việc tăng dự trữ nguyên liệu thô và thiết lập nguồn cung cấp từ nhiều nguồn gốc. Phía Tesla đã không trả lời yêu cầu bình luận về vấn đề này.
Liên minh của Trung Quốc bao gồm các công ty sản xuất mangan cấp pin, mặc dù các thành viên trong nhóm này cho đến nay vẫn tập trung vào các sản phẩm mangan phụ gia thép.