2020 đáng nhớ: Cuộc khủng hoảng trăm năm có một khiến vạn vật đều đổi thay

2020 đáng nhớ: Cuộc khủng hoảng trăm năm có một khiến vạn vật đều đổi thay

Năm 1920, Warren Harding đã xây dựng 1 chiến dịch tranh cử tổng thống vào năm 1920 với trọng tâm xoay quanh một thuật ngữ mới: “trạng thái bình thường”. Đó là lời kêu gọi người Mỹ hãy quên đi nỗi kinh hoàng của thế chiến thứ nhất cũng như dịch cúm Tây Ban Nha và quay trở lại những điều bền chắc trong Thời kỳ Hoàng kim. Tuy nhiên, trái ngược với lời kêu gọi đó, thập niên 20 của thế kỷ trước được biết tới với cái tên “Roaring Twenties”, thuật ngữ miêu tả về một thời đại được hình thành với nền tảng là một xã hội tiên tiến, chấp nhận rủi ro, có nhiều thay đổi lớn cả tronghoạt động công nghiệp sản xuất cũng như trong lĩnh vực nghệ thuật.

Chiến tranh và đại dịch là những thứ khiến những người còn sống sót khao khát thập niên 20 thế kỷ trước trôi qua thật nhanh. Tinh thần đó cũng sẽ tái diễn vào thập niên 20 của thế kỷ này. Quy mô quá lớn của những tác động tiêu cực từ covid-19, những bất công và nguy hiểm mà đại dịch đã tạo nên, và viễn cảnh công nghệ khiến cuộc sống thay đổi chóng mặt sẽ khiến cho năm 2020 này được ghi nhớ là năm mà mọi thứ đều thay đổi. 

Dịch bệnh là một sự kiện trăm năm mới có 1 lần. Sars-Cov-2 đã được tìm thấy ở hơn 70 triệu người và có thể lây nhiễm thêm 500 triệu người nữa, hoặc thậm chí hơn nữa với những người chưa từng được chẩn đoán. Nó đã gây ra cái chết cho 1,6 triệu người; và còn tới hàng trăm nghìn trường hợp khác đã không được ghi nhận. Hàng triệu người sống sót đang sống trong tình trạng kiệt sức và hết sức mệt mỏi vì những tác động dai dẳng của dịch bệnh lên kinh tế xã hội. GDP toàn cầu sụt giảm ít nhất 7%, mức  lớn nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Từ tàn tro của những đau đớn này, con người sẽ hiểu rằng cuộc sống không phải chỉ có tích trữ mà là được sống đúng nghĩa.

Một lý do khác để mong đợi sự thay đổi là Covid-19 đã đóng vai trò như một lời cảnh báo. 80 tỷ động vật đã bị giết mổ để làm thực phẩm và lấy lông mỗi năm là mầm mống cho các loại vi rút và vi khuẩn tiến hóa thành mầm bệnh gây chết người. Bầu trời trong xanh khi nền kinh tế bước vào giai đoạn phong tỏa là một minh chứng mạnh mẽ cho thấy covid-19 là một cuộc khủng hoảng diễn biến nhanh trong một cuộc khủng hoảng khác có diễn biến chậm hơn và có nhiều điểm tương đồng. Giống như đại dịch, vấn đề biến đổi khí hậu không thể bị bác bỏ bởi sự phủ nhận của những người theo chủ nghĩa dân túy, nó đã mang tới sự gián đoạn mang tính toàn cầu và sẽ có thể gây nhiều tổn thất nặng nề hơn nhiều trong tương lai nếu như chúng ta ngó lơ chúng vào thời điểm hiện tại.

Và một lý do thứ ba để mong đợi sự thay đổi là đại dịch đã dấy lên một vấn đề nghiêm trọng, vấn đề bất bình đẳng. Trẻ em đã tụt hậu so với những kiến thức mà chúng đãng nhẽ đã được học – và còn chưa kể chúng cũng phải thường xuyên chịu đừng những cơn đói. Những học sinh đã rời ghế nhà trường và sinh viên tốt nghiệp lại một lần nữa đứng nỗi lo lắng cho viễn cảnh không mấy tươi đẹp của mình. Người dân ở mọi lứa tuổi đã phải chịu đựng sự cô đơn hoặc bạo lực tại gia đình. Những người lao động nhập cư đã bị bỏ rơi hoặc bị đưa về nơi xuất phát điểm của họ, đi cùng với họ là căn bệnh này. Hậu quả cũng là khác nhau nếu xét trên khía cạnh chủng tộc. Một người Mỹ gốc Tây Ban Nha 40 tuổi có nguy cơ chết vì covid-19 cao hơn 12 lần so với một người Mỹ da trắng ở cùng độ tuổi. Ở São Paulo, người Brazil da đen dưới 20 tuổi có nguy cơ tử vong cao gấp đôi người da trắng.

Khi thế giới đã dần thích nghi với tình hình mới, một số vấn đề kể trên lại trở nên tồi tệ hơn. Các nghiên cứu cho thấy khoảng 60% công việc có mức lương trên 100.000 USD ở Mỹ có thể được thực hiện tại nhà, so với tỷ lệ 10% ở nhóm các công việc được trả lương dưới 40.000 USD. Trong trường hợp xấu nhất, đại dịch có thể khiến hơn 200 triệu người rơi vào cảnh nghèo khó cùng cực. Hoàn cảnh của họ sẽ càng trở nên trầm trọng hơn bởi những gã độc tài hay những kẻ bạo chúa, những người tận dụng đại dịch này để củng cố quyền lực của mình.

Có lẽ vì vậy mà các trận đại dịch trong quá khứ đã dẫn đến những biến động xã hội. IMF đã xem xét 133 quốc gia trong giai đoạn 2001-18 và nhận thấy rằng tình trạng bất ổn đã tăng lên khoảng 14 tháng sau khi dịch bệnh khởi phát, đạt đỉnh chỉ sau 24 tháng. Quốc gia có xã hội càng bất bình đẳng thì càng có nhiều biến động hơn. Thật vậy, IMF cảnh báo về một vòng luẩn quẩn, trong đó các cuộc bạo động sẽ càng làm gia tăng khó khăn, nhưng cũng từ đó lại tạo ra nhiều cuộc bạo động hơn.

May mắn thay, covid-19 không chỉ mang tới yêu cầu phải thay đổi mà còn chỉ ra con đường cho sự thay đổi ở phía trước. Điều đó một phần là do nó đã đóng vai trò như một động lực cho sự đổi mới. Trong bối cảnh xã hội bị phong tỏa, tỷ trọng của thương mại điện tử trong tổng doanh số bán lẻ của Mỹ đã tăng rất mạnh, với mức tăng chỉ trong 8 tuần đã bằng với cả 5 năm trước đó. Khi mọi người làm việc tại nhà, việc đi lại trên tàu điện ngầm ở New York đã giảm hơn 90%. Gần như chỉ sau một đêm, các công việc kinh doanh được điều hành từ những căn phòng trống hay trên bàn bếp — một trải nghiệm mà nếu không do đại dịch thì phải mất nhiều năm nữa chúng ta mới được chứng kiến.

Sự gián đoạn này hiện đang ở trong giai đoạn sơ khai. Đại dịch là bằng chứng cho thấy sự thay đổi có thể xảy ra ngay cả trong các ngành thủ cựu như chăm sóc sức khỏe. Được thúc đẩy bởi nguồn vốn rẻ và công nghệ mới, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo và có thể là cả máy tính lượng tử, sự đổi mới sẽ diễn ra từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác. Ví dụ, chi phí tại các trường cao đẳng và đại học ở Mỹ đã tăng nhanh hơn gần 5 lần so với giá tiêu dùng trong 40 năm qua, ngay cả khi việc giảng dạy hầu như không thay đổi, khiến nó trở nên hấp dẫn đối với những người muốn thay đổi. Tiến bộ công nghệ trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, lưới điện thông minh và công nghệ lưu giữ năng lượng của pin là những bước quan trọng trên con đường thay thế nhiên liệu hóa thạch.

Đại dịch cũng đã bộc lộ một điều gì đó sâu sắc về cách xã hội đối xử với tri thức. Hãy xem xét cách các nhà khoa học Trung Quốc giải trình bộ gen của Sars-cov-2 trong vòng vài tuần và chia sẻ nó với thế giới. Các vắc-xin mới tạo ra chỉ là một điểm dừng trong một tiến trình được diễn ra với tốc độ ánh sáng nhằm làm sáng tỏ nguồn gốc của vi-rút, sức ảnh hưởng của nó đến đối tượng nào, làm cách nào để loại bỏ nó và đâu là phương pháp có thể điều trị được.

Đó là một minh chứng đáng chú ý về những gì khoa học có thể đạt được. Vào thời điểm mà các học thuyểt âm mưu nở rộ, nghiên cứu này là một lời cảnh tỉnh đối với những kẻ không biết gì và những kẻ cuồng tín trong các chế độ độc tài và dân chủ, những người cư xử như thể rằng bằng chứng cho một yêu sách nào đó cũng chẳng khác gì danh tính của người khẳng định điều đó.

Và đại dịch đã dẫn đến sự bùng nổ của cải cách, thay đổi chính phủ. Những nước có đủ nguồn lực để giải quyết — và một số, như Brazil, không thể —đã kìm hãm sự bất bình đẳng bằng cách chi hơn 10 ngàn tỷ đô la cho covid-19, gấp ba lần trong điều kiện thực tế so với thời kỳ khủng hoảng tài chính. Điều đó sẽ thay đổi đáng kể kể kỳ vọng của người dân về những gì chính phủ có thể làm cho họ.

Nhiều người dân trong giai đoạn phong tỏa đã tự hỏi bản thân rằng điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống. Các chính phủ nên lấy đó làm nguồn cảm hứng, tập trung vào các chính sách thúc đẩy phẩm giá cá nhân, sự tự cường và lòng tự hào của người dân. Họ nên thay đổi lại chính sách phúc lợi và giáo dục, đồng thời tập trung sức mạnh vào nỗ lực mở ra những ngưỡng cửa mới cho người dân của mình. Một điều gì đó tốt đẹp có thể đến từ sự khốn cùng trong một năm của bệnh dịch. Và nó nên bao gồm một bản khế ước xã hội mới phù hợp với thế kỷ 21.

Tham khảo The Economist