TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa có báo cáo Đánh giá tác động của các gói hỗ trợ của Mỹ và hàm ý chính sách đối với Việt Nam. Chúng tôi xin đăng tải báo cáo để độc giả cùng theo dõi.
Chính sách tài khóa và tiền tệ của Mỹ năm 2020-2021
Năm 2020, đại dịch Covid-19 xuất hiện, bùng phát trên phạm vi toàn cầu, đã đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ sau Đại khủng hoảng 1929-1933, với mức suy giảm 3,3%. Vì vậy, Chính phủ các nước đã phải đưa ra các gói hỗ trợ trị giá hàng trăm, hàng nghìn tỷ USD nhằm phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo IMF (1/2021), trong năm 2020, các gói hỗ trợ mà các nước đã công bố có quy mô khoảng 13.876 tỷ USD, tương đương 13,5% GDP toàn cầu năm 2020, trong đó 7.834 tỷ USD (7,4% GDP, chiếm 56,4% tổng các gói hỗ trợ) là các biện pháp tài khóa, còn lại 6.041 tỷ USD (6,1% GDP, chiếm 43,6%) là các biện pháp tiền tệ. Theo IMF (4/2021), tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo ở mức 6% năm 2021 và 4,4% năm 2022. Thương mại toàn cầu được dự báo phục hồi mạnh, tăng khoảng 8% năm 2021 và 4% năm 2022. Về lạm phát, WB và IMF (4/2021) dự báo CPI bình quân toàn cầu sẽ tăng lên mức 2,5% năm 2021, sau đó tăng khoảng 2,4% năm 2022.
Trong năm 2020, Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 với gần 20 triệu người nhiễm và gần 350 nghìn ca tử vong (đến hết ngày 21/4/2021, Mỹ có 32,6 triệu người nhiễm và 583 nghìn người tử vong). Các hoạt động sản xuất, đầu tư, thương mại bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và thu nhập của người dân giảm mạnh; buộc Chính phủ Mỹ và Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ siêu nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế. Đối với chính sách tài khóa, theo IMF (1/2021), Mỹ đã ban hành các gói hỗ trợ tổng giá trị 3.503 tỷ USD, chiếm 16,7% GDP năm 2019 của Mỹ, trong đó chủ yếu là các biện pháp tăng cường chi tiêu (cho lĩnh vực phi y tế là 3.000 tỷ USD, chiếm 85,5%). Đối với chính sách tiền tệ, Fed duy trì lãi suất ở mức thấp 0-0,25%, hỗ trợ thanh khoản (mua trái phiếu, bảo lãnhvay vốn) với quy mô 510 tỷ USD, tương đương 2,4% GDP.
Nhờ đó, kinh tế Mỹ đã có dấu hiệu phục hồi và chỉ giảm 3,5% (tốt hơn so với dự báo trước đó là giảm 4,3%) năm 2020, trong đó kinh tế Mỹ hồi phục mạnh trong hai quý cuối năm với mức tăng trưởng GDP lần lượt là 33,4% và 4,3% (so với quý trước đó); tỷ lệ thất nghiệp ở mức 6,7% cuối năm 2020 (đã có 12,8 triệu việc làm được hồi phục trong số 22 triệu việc làm bị mất do đại dịch); lạm phát lõi ước tính ở mức 1,6%, cao hơn so với dự báo 1,5%. Với những tín hiệu tích cực như trên, Fed (3/2021) dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 6,5% năm 2021 (thay cho mức 4,2% dự báo trước đó) và tăng 3,3% năm 2022. Đây là mức tương tự với dự báo của IMF (4/2021), theo đó kinh tế Mỹ tăng trưởng 6,4% năm 2021 và 3,5% năm 2022, trong khi lạm phát ở mức 2,3% năm 2021 và 2,4% năm 2022.
Đánh giá tác động của chính sách tiền tệ và các gói hỗ trợ của Mỹ
Tác động đối với kinh tế Mỹ
Ngoài các gói hỗ trợ dưới thời Tổng thống Trump nêu trên, chính quyền Tổng thống Biden đã đề xuất 3 gói hỗ trợ lớn, trong đó 1 gói (1.900 tỷ USD) đã được thông qua, còn 2 gói lớn khác đang xem xét. Cụ thể:
– Gói hỗ trợ 1.900 tỷ USD (mang tên Kế hoạch giải cứu nước Mỹ – American Rescue Plan – ARP) – đã được phê duyệt: bao gồm 5 khoản mục chính: (i) gần 800 tỷ USD trợ cấp trực tiếp tới các hộ gia đình, với 1.400 USD bổ sung cho khoản trợ cấp 600 USD trước đó và khoản 400 USD trợ cấp thất nghiệp bổ sung; (ii) 415 tỷ USD cho việc kiểm soát dịch bệnh, sản xuất và tiêm vaccine; (iii) 150 tỷ USD hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ; (iv) 176 tỷ USD hỗ trợ giáo dục để mở lại các cơ sở trường học cộng đồng; (v) 360 tỷ USD tài trợ Chính quyền các tiểu bang. Theo Viện Brookings (1/2021), gói ARP có thể giúp GDP của Mỹ tăng thêm 4 điểm phần % năm 2021 và thêm 2 điểm % năm 2022. Trong khi đó, theo CNBC (3/2021), cứ 1.000 tỷ USD chi tiêu thêm sẽ giúp GDP của Mỹ tăng thêm 2 điểm % trong 2 năm tiếp theo và làm giảm tỷ lệ thất nghiệp và gia tăng lạm phát sát mức mục tiêu 2% đề ra. Với tỷ trọng tập trung vào hỗ trợ tài chính cho các cá nhân và hộ gia đình chiếm 41,2% tổng giá trị, dự báo lĩnh vực tiêu dùng của Mỹ sẽ phục hồi mạnh năm 2021. Tuy vậy, theo Fitch ratings (3/2021), ARP sẽ khiến thâm hụt ngân sách năm 2021 của Mỹ chạm mức 15% GDP, trong khi nợ Chính phủ sẽ chạm mức 109% GDP năm 2021.