Thứ Sáu tuần trước (4/9), đồng USD xuống mức thấp nhất 1 tháng (91,941) sau khi dữ liệu thị trường lao động tháng 8 của Mỹ cho thấy tăng trưởng số việc làm chậm lại đáng kể, trong khi lạm phát tiền lương tăng hơn dự kiến, làm giảm khả năng Fed sắp cắt giảm chương trình mua tài sản.
Theo đó, số việc làm mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp tháng 8 chỉ tăng 235.000, thấp xa so với dự kiến là 720.000.
Tuy nhiên, những số liệu sau đó cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn diễn biến tích cực. Dữ liệu công bố ngày 10/9 cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ trong tuần trước giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 18 tháng, chứng tỏ tăng trưởng việc làm đang bị cản trở bởi tình trạng thiếu lao động chứ không phải làm giảm nhu cầu đối với người lao động. USD lập tức tăng lên sau thông tin này.
Chỉ số dollar index kết thúc phiên 10/9 tăng 0,05% so với phiên liền trước, lên 92,57. Tính chung cả tuần, dollar index tăng khoảng 0,5%, là tuần đầu tiên trong vòng 3 tuần.
Tuy nhiên, USD vẫn chưa thiết lập được xu hướng tăng mạnh mẽ, bởi các nhà đầu tư đang giảm các hoạt động để chờ đợi có thêm manh mối về thời điểm Fed có khả năng bắt đầu dừng việc mua trái phiếu và tiếp đến là tăng lãi suất.
Erik Nelson, chiến lược gia về kinh tế vĩ mô của công ty Wells Fargo ở New York, cho biết: “Điều tôi quan tâm nhất là khi nào Fed tăng lãi suất, và tiếc là chúng ta có thể chưa thể biết điều đó trong một thời gian ngắn nữa”.
Chủ tịch Fed bang Cleveland, Loretta Mester, ngày 10/9 cho biết bà vẫn muốn ngân hàng trung ương bắt đầu giảm bớt việc mua tài sản trong năm nay. Như vậy là ngày càng có nhiều lãnh đạo của Fed có quan điểm Fed cần bắt đầu thu hẹp dần các chương trình hỗ trợ để tránh việc kinh tế Mỹ bị “trật bánh” tăng trưởng, trong đó có Thống đốc Fed Michelle Bowman, người cho biết báo cáo lao động yếu kém của tháng 8 sẽ không khiến ngân hàng trung ương đi chệch hướng mục tiêu.
Các quan chức Fed vẫn đang trong tình thế khó xử bởi áp lực giá cả gia tăng trong khi tăng trưởng việc làm vẫn thấp hơn mục tiêu của họ.
Dữ liệu vừa công bố cho thấy giá sản xuất của Mỹ đã tăng liên tục cho tới tháng 8, cho thấy lạm phát cao có thể sẽ tồn tại trong một thời gian, do chuỗi cung ứng vẫn thắt chặt khi đại dịch COVID-19 kéo dài.
Tờ Wall Street Journal hôm thứ Sáu (10/9) đã viết rằng các quan chức Fed sẽ tìm cách đưa ra một thỏa thuận tại cuộc họp tháng 9 để bắt đầu tạm dừng việc mua trái phiếu vào tháng 11.
Mark McCormick, người phụ trách mảng chiến lược tiền tệ toàn cầu của TD Securities, đã viết trong một thông báo: “Fed có vẻ sẽ giảm dần việc mua tài sản vào cuối năm nay”, nhấn mạnh vào những bình luận từ các lãnh đạo của Fed trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, theo ông thì ngay cả khi xu hướng thắt chặt tiền tệ đang diễn ra khắp toàn cầu thì các điều kiện tài chính của thế giới nhìn chung vẫn cực kỳ lỏng lẻo.
Đồng euro EUR quay đầu giảm 0,07% so với USD, xuống 1,1816 USD lúc đóng cửa phiên cuối tuần, một ngày sau khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu cho biết họ giảm dần việc mua trái phiếu khẩn cấp trong quý tới. Tính chung cả tuần, EUR giảm khoảng 0,4% so với USD.
Theo HSBC: “Con đường hướng tới bình thường hóa chính sách của Fed sẽ diễn ra từ từ”. Giám đốc nghiên cứu tiền tệ toàn cầu của HSBC, Paul Mackel dự báo đồng USD sẽ mạnh lên mức 1,15 USD/EUR vào cuối năm nay.
Trong phiên vừa qua, USD giảm nhanh so với nhân dân tệ sau khi có thông tin Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc điện đàm lần đầu tiên sau 7 tháng Mỹ – Trung không liên lạc với nhau.
Theo đó, USD giảm 0,13% xuống chốt phiên ở 6,4419 nhân dân tệ, gần mức thấp nhất trong hơn hai tháng là 6,4233 nhân dân tệ chạm tới vào tuần trước.