Đối diện với khủng hoảng lịch sử, EU doạ cấm xuất khẩu vắc-xin sang Anh

Đối diện với khủng hoảng lịch sử, EU doạ cấm xuất khẩu vắc-xin sang Anh

Với số ca tử vong liên quan đến COVID-19 ở EU lên mốc 550.000  và mới có chưa đến 1/10 dân số của khối được tiêm phòng, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen nói rằng tình hình dịch bệnh hiện nay đang trở nên tồi tệ hơn.

“Chúng ta đang ở trong cuộc khủng hoảng của thế kỷ”, bà nói với các phóng viên.

“Chúng tôi nhìn thấy làn sóng dịch bệnh thứ ba đang xảy ra ở các nước thành viên, và chúng tôi biết là cần phải đẩy mạnh tỷ lệ tiêm chủng”, bà nói.

Bà Von der Leyen cho biết nguồn cung cấp vắc-xin COVID-19 từ Mỹ đang được bảo đảm, nhưng bà thể hiện sự giận dữ với nguồn cung không đủ từ hãng AstraZeneca tại Anh. Bà cho biết 10 triệu liều vắc-xin từ các nhà máy của EU đã được xuất khẩu sang Anh.

“Chúng tôi vẫn chờ các liều vắc-xin từ Anh. Nếu tình hình không thay đổi, chúng tôi sẽ cho thấy việc xuất khẩu sang các nước sản xuất vắc-xin phải phụ thuộc vào độ cởi mở của họ như thế nào”, bà Von der Leyen tuyên bố.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đáp trả, cáo buộc EU gây sức ép và yêu cầu giải thích vì chính phủ Anh đã được bảo đảm rằng EU sẽ không hạn chế xuất khẩu các lô hàng đã được ký hợp đồng.

“Tôi nghĩ cần phải có một số giải thích vì thế giới đang theo dõi…Chúng tôi kỳ vọng vào những bảo đảm của họ và một sự tôn trọng đối với các lô hàng đã được ký hợp đồng hợp pháp”, ông Raab nói.

Bà Von der Leyen lên tiếng sau khi 6 quốc gia EU phàn nàn với Brussels về tình trạng nguồn cùng thiếu đang cản trở chiến dịch tiêm chủng vốn đã gặp nhiều khó khăn, trong bối cảnh AstraZeneca giảm cung cấp.

Tình hình càng phức tạp hơn sau khi nhiều nước EU, trong đó có Đức, Pháp và Ý vừa dừng sử dụng vắc-xin AstraZeneca để kiểm tra lại tính an toàn.

Tình hình này đe doạ kế hoạch của Uỷ ban châu Âu về việc cấp “giấy chứng nhận điện tử xanh” để có thể khôi phục đi lại qua biên giới.

Một số nước EU phụ thuộc vào du lịch hy vọng kế hoạch cấp giấy chứng nhận này có thể được thông qua vào tháng 6 để kịp triển khai trước mùa cao điểm du lịch năm nay. Nhưng một số quốc gia như Pháp, Bỉ và Đức hoài nghi khả năng này.

Các nước EU đang chịu sức ép phải tìm được tiếng nói chung cho 450 triệu dân của mình. Nhiệm vụ càng phức tạp hơn khi câu hỏi rằng liệu những người đã tiêm vắc-xin có lây virus nữa không vẫn chưa được trả lời chắc chắn, trong khi một số người dân vẫn hoài nghi với vắc-xin.

Theo Reuters