Ngân hàng cứu doanh nghiệp là tự cứu mình

Ngân hàng cứu doanh nghiệp là tự cứu mình

Bản thân các ngân hàng thương mại (NHTM) xác định ngân hàng và doanh nghiệp đang cùng nhau trên một con thuyền, chính vì thế, doanh nghiệp khó khăn thì ngân hàng cũng bị ảnh hưởng. Với sự triển khai tích cực của cả hệ thống, dòng vốn tín dụng đã đến đúng đối tượng cần hỗ trợ, giúp hàng vạn doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19. Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, tính từ 23/1 đến 28/3, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã bước đầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 12.000 khách hàng với dư nợ hơn 13.500 tỷ đồng; đã và đang xem xét miễn, giảm lãi cho gần 36.000 khách hàng với dư nợ trên 91.000 tỷ đồng

Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã rất quan tâm, chỉ đạo sát sao toàn Ngành trong việc nắm bắt tình hình dịch bệnh để có giải pháp kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Ngày 13/3/2020, Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch (Thông tư 01) đã được ban hành, là cơ sở pháp lý hướng dẫn các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp, người dân vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, tinh thần chung là tạo điều kiện thuận lợi nhất để các ngân hàng thương mại (NHTM) được chủ động tái cơ cấu các khoản nợ đến hạn đối với doanh nghiệp, nhưng vẫn bảo đảm sự hỗ trợ đến đúng địa chỉ các đối tượng bị thiệt hại do dịch Covid-19. Phó Thống đốc cũng khẳng định, các TCTD cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay không chỉ để thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ mà còn thể hiện tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp. Nếu như năm 2009, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp được thực hiện bằng nguồn ngân sách (cấp bù lãi suất), thì lần này, việc hỗ trợ doanh nghiệp hoàn toàn bằng nguồn của NHTM. Các NHTM chia sẻ lợi nhuận của mình với khó khăn của doanh nghiệp.

Thông tư 01 ra đời đã được các doanh nghiệp vui mừng đón nhận, NHTM tích cực triển khai.

Doanh nghiệp ấm lòng trước sự hỗ trợ kịp thời của ngân hàng

Thực tế, dịch Covid-19 đã khiến không ít doanh nghiệp trong nước lao đao, thậm chí nguy cơ phá sản nếu không được hỗ trợ kịp thời. Những chính sách của ngân hàng giảm lãi suất, miễn lãi, phí, giãn, hoãn nợ hoặc giữ nguyên nhóm nợ là rất thiết thực và là nguồn động viên, chia sẻ kịp thời, tiếp sức cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Nhiều doanh nghiệp trong nước rơi vào cạnh “giật gấu vá vai”, cầm cự, có doanh nghiệp dù rất khó khăn nhưng vẫn phải đi đến quyết định cắt giảm nhân sự, chi phí lương hay tạm thời không chia cổ tức… nhằm nỗ lực thích nghi trước dịch bệnh.

Doanh thu sụt giảm đến 90%, dòng tiền gần như suy kiệt đối với Công ty Phát triển Tùng Lâm (Quảng Ninh) khi lượng khách du lịch không còn. Khoản nợ 500 tỷ đồng tại các ngân hàng đang là áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp khi mọi hoạt động gần như “đóng băng”.

Tương tự, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Dịch vụ xây dựng Bảo Yến (Đông Anh, Hà Nội) chia hay, từ sau Tết Nguyên đán tới nay, công ty gần như không có khoản thu nào bởi các khách đặt tour đi du lịch, khách thuê xe tự lái đều hủy. Vận tải đường dài hay xe buýt cũng không có khách đi trong khi công ty vẫn phải duy trì các chi phí vận hành doanh nghiệp, chi phí nhân công cho hơn 1.500 cán bộ nhân viên. Ước tính trong mấy tháng qua, công ty đã thiệt hại khoảng 80 tỷ đồng.

Còn bà Bùi Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Sungroup chia sẻ, trong 3 tháng đầu năm, số lượng khách đến với Sungroup giảm khoảng 3 triệu khách, dự báo trong cả năm sụt giảm khoảng hơn 7 triệu khách. Đối với lượng du lịch nghỉ dưỡng, lượng khách hủy booking phòng rất lớn, dự kiến năm nay Sungroup chỉ đạt khoảng 80% kế hoạch kinh doanh cả năm, tương đương với khoảng 70% đã thực hiện năm 2019. Việc sụt giảm doanh thu đã ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp rất lớn. Dòng tiền không về được gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc trang trải các chi phí vận hành, chi trả các khoản nợ gốc, lãi đến hạn cho các TCTD.

Không chỉ lĩnh vực du lịch, vận tải, ngành sản xuất khác cũng lao đao vì dịch bệnh. Ông Nguyễn Duy Hồng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Minh Dương cho biết, từ khi xảy ra dịch Covid -19, mảng công nghiệp phụ trợ của công ty này giảm đến 50% sản lượng, hàng tiêu dùng giảm khoảng 20%. Điều khiến lãnh đạo công ty ngại nhất là thanh khoản của dòng tiền.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh và khó khăn của doanh nghiệp, Thông tư 01 của NHNN ra đời đã kịp thời tiếp sức cho doanh nghiệp và được các NHTM rốt ráo triển khai, bởi doanh nghiệp lâm nguy thì chính các ngân hàng cũng không khỏi khó khăn.

Với các doanh nghiệp, những chính sách của ngân hàng như giảm lãi suất, miễn lãi, phí, giãn, hoãn nợ hoặc giữ nguyên nhóm nợ là rất thiết thực, là nguồn động viên, chia sẻ kịp thời trong bối cảnh hiện nay.

Đại diện Sungroup đánh giá: “Thời gian vừa qua, NHNN đã có những chính sách rất kịp thời, đặc biệt là Thông tư 01 hướng dẫn cho các TCTD trong việc cơ cấu lại các khoản nợ gốc, giảm lãi, phí cho các khách hàng bị thiệt hại bởi dịch Covid-19. Công ty chúng tôi cũng đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các TCTD là các đối tác của Sungroup trong suốt thời gian dài vừa qua. Theo đó, các TCTD cũng đã giảm khoảng 05,-1%/năm lãi suất cho các khoản vay cho đến khi Chính phủ công bố hết dịch. Bên cạnh đó, các TCTD cũng tiến hành cơ cấu lại các khoản nợ gốc, lãi đến hạn năm nay mà các mảng hoạt động của công ty bị ảnh hưởng (du lịch, nghỉ dưỡng và vui chơi, giải trí). Chúng tôi đánh giá rất cao việc các tổ chức tín dụng đã giúp doanh nghiệp cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn thời gian trả nợ. Theo chúng tôi, đây là điều quan trọng nhất với doanh nghiệp trong thời điểm này”.

Còn ông Nguyễn Duy Hồng bày tỏ sự vui mừng khi ngành Ngân hàng đã có chính sách giảm lãi suất, giãn, hoãn nợ. “Doanh nghiệp được giảm lãi suất đã mừng rồi nhưng còn được giãn, hoãn nợ thì còn mừng hơn. Như trường hợp Minh Dương, do khách hàng thanh toán chậm nên chúng tôi rất cần kéo dài thời hạn để có điều kiện thanh toán nợ đúng hạn cho ngân hàng”, ông nói.

Đối với Công ty Hướng Xanh (Hà Nội), thay vì hàng tháng phải trả 40 triệu đồng cả gốc và lãi thì nay, Công ty chỉ phải trả một nửa. Không những vậy, ngân hàng còn tiếp tục xem xét cho doanh nghiệp được vay mới để trợ giúp duy trì hoạt động, vượt qua khó khăn.

Còn với công ty Tùng Lâm, ngân hàng BIDV đã kịp thời giãn thời gian trả nợ, đồng thời giảm lãi suất cho khoản vay đã giúp doanh nghiệp tồn tại để vượt qua thời kỳ khó khăn. BIDV đã có thông báo hỗ trợ lãi suất 1% từ nay đến 31/12. “Chúng tôi cảm thấy ấm lòng trong thời điểm này” – đại diện doanh nghiệp này chia sẻ.

Ngân hàng cam kết giảm sâu lãi suất cho vay tới 2,5%/năm

Từ trước và khi có Thông tư 01, phía các NHTM cũng rốt ráo triển khai. Bản thân các NHTM xác định ngân hàng và doanh nghiệp đang cùng nhau trên một con thuyền, chính vì thế, doanh nghiệp khó khăn thì ngân hàng cũng bị ảnh hưởng.

Tại cuộc họp hôm 31/3, lãnh đạo 4 ngân hàng thương mại nhà nước Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank đã cam kết giảm sâu lãi suất cho vay tới 2,5%/năm.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Vietcombank cho biết ngân hàng đã có chính sách giảm lãi suất VND đối với tất cả doanh nghiệp và cá nhân ảnh hưởng bởi dịch. Tổng số dư nợ các ngành/lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi COVID-19 được Vietcombank hỗ trợ, ưu đãi lãi suất thấp hơn 0,5-1,5% so với mặt bằng lãi suất chung đến nay đã lên tới trên 112.700 tỷ đồng. Thời gian tới, ngân hàng này sẽ có gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm 2-2,5% so với mặt bằng hiện nay. Các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thiết yếu sẽ được giảm tới 2,5% một năm và được hưởng mức lãi suất chỉ 4,5-5% một năm.

Bên cạnh đó, ngân hàng này sẽ tiếp tục kéo dài chính sách giảm lãi suất 1-1,5% đối với dư nợ hiện hữu (từ hạn 30/4 chuyển sang đến 30/9). Lợi nhuận của Vietcombank ước tính giảm 300 tỷ đồng vì chính sách này.

Đầu tháng 4, TPBank ban hành thêm các chương trình ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng giải ngân mới với tổng dư nợ lên tới 12.000 tỷ đồng. Theo đó, TPBank có các gói 5.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, gói 4.000 tỷ đồng dành cho khách hàng doanh nghiệp lớn, và 3.000 tỷ dành cho khách hàng cá nhân, với mức lãi suất ưu đãi giảm 1,5-2,5% so với mức lãi suất hiện hành. Bên cạnh việc cơ cấu lại nợ, giãn nợ gốc và lãi cho khách hàng theo quy định thì TPBank còn thực hiện giảm lãi suất từ 0,5% – 1% với các khách hàng hiện hữu bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch, với tổng số dư nợ có thể được xem xét lên tới 30.000 tỷ đồng.

ACB cũng vừa triển khai thêm gói vay ưu đãi 10.000 tỷ đồng để đẩy mạnh hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19. Đây là giai đoạn hai của gói vay ưu đãi 35.000 tỷ mà ngân hàng đang thực hiện từ đầu tháng 2 đến nay nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Trước đó trong tháng 2, ACB triển khai giai đoạn 1 với chương trình vay 25.000 tỷ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cá nhân có khó khăn trong hoạt động kinh doanh do tác động dịch Covid-19 với lãi suất ưu đãi giảm 0,5%-1,5% so với lãi suất thương mại của năm 2019.

Từ 31/03/2020, giai đoạn 2 của gói vay được tiếp tục triển khai thêm với 10.000 tỷ dành cho các khách hàng đặc biệt khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh do dịch Covid-19 cùng các ưu đãi: thời gian cho vay từ 36-48 tháng, vốn gốc được ân hạn đến 12 tháng và trả dần cho đến khi hết hạn khoản vay. Lãi suất vay thấp hơn đến 2% so với mặt bằng lãi suất vay của 2019.

Ngay sau cuộc họp trực tuyến ngày 31/3 về triển khai các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, VietinBank thông báo tiếp tục giảm 2% lãi suất cho vay, đưa ra chương trình tín dụng 60.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng. Cụ thể, từ 01/4/2020 VietinBank tiếp tục triển khai chương trình tín dụng lãi suất thấp có quy mô 60 nghìn tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm đến 2%/năm so với các chương trình tín dụng đã từng triển khai trước đây (trước thời điểm có dịch). VietinBank đặc biệt ưu đãi cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho người dân trong giai đoạn đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, VietinBank tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng không giới hạn quy mô như: Đồng hành cùng khách hàng doanh nghiệp, Ưu đãi lãi suất cho vay cố định, Vay ưu đãi lãi tri ân dành cho khách hàng bán lẻ,…với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,2%-3%/năm so với thông thường.

Với sự triển khai tích cực của cả hệ thống, dòng vốn tín dụng đã đến đúng đối tượng cần hỗ trợ, giúp hàng vạn doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, tính từ 23/1 đến 28/3, các TCTD đã bước đầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 12.000 khách hàng với dư nợ 13.500 tỷ đồng; đã và đang xem xét miễn giảm lãi cho gần 36.000 khách hàng với dư nợ trên 91.000 tỷ đồng (chủ yếu cho khách hàng ở các ngành: dịch vụ lưu trú, ăn uống, nông lâm nghiệp thủy sản, xây dựng, vận tải kho bãi, bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến, chế tại, giáo dục,…).

 Về các chương trình, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi mà các NHTM triển khai, lãi suất thấp hơn so lãi suất thông thường từ 0,5%-3% (khoảng 285.000 tỷ đồng, chủ yếu cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất nhập khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa…), đến nay các TCTD đã cho vay mới đối với 47.000 khách hàng với doanh số cho vay đạt gần 80.000 tỷ đồng.