Bài học cho startup Việt từ vụ CEO Telio Bùi Sỹ Phong thua kiện tại Singapore

Bài học cho startup Việt từ vụ CEO Telio Bùi Sỹ Phong thua kiện tại Singapore

Một trong những vấn đề “nóng” nhất cộng đồng startup Việt hiện nay là việc CEO Telio Bùi Sỹ Phong thua kiện công ty cũ OnOnPay (OOPA).

Theo đó, Tòa án cấp cao Singapore đã yêu cầu ông Phong – người sáng lập và CEO của nền tảng thương mại điện tử Việt Nam Telio – chuyển nhượng cổ phần tại công ty này cho OOPA. Đồng thời, ông Phong phải bồi thường cho OOPA số tiền 233.000 SGD, tương đương 174.000 USD. Bản thân ông Bùi Sỹ Phong – chứ không phải Telio – phải trả số tiền này.

Đây là quyết định nằm trong bản án dài 38 trang được công bố vào ngày 16/6 về vụ kiện kéo dài gần 2 năm giữa ông Bùi Sỹ Phong và OOPA. Hội đồng quản trị của OOPA cáo buộc ông Phong chiếm đoạt các cơ hội kinh doanh và sử dụng các nguồn lực của công ty – bao gồm mạng lưới doanh nghiệp, nguồn nhân lực và tài sản trí tuệ – để phát triển Telio, dự án kinh doanh mới của ông.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Người Đồng Hành đã có cuộc trao đổi với Luật sư  Nguyễn Văn Doanh (Doanh Nguyen), người sáng lập StartupLAW.vn. Theo ông Doanh, trong khi tập trung và làm rất tốt việc phát triển sản phẩm, kinh doanh và kêu gọi vốn đầu tư thì những người sáng lập, người điều hành startup cũng cần lưu một số điểm pháp lý quan trọng.

Người Đồng Hành xin đăng tải lại phần chia sẻ của Luật sư Nguyễn Văn Doanh:

Quan hệ với nhà đầu tư – Một sự bất tín, vạn sự bất tin

Bùi Sỹ Phong – bị đơn trong vụ án – đã làm rất tốt trong việc quan hệ với nhà đầu trong suốt hơn 3 năm trước đó. Ông ấy luôn lo lắng cho sự phát triển của startup. Ông Phong giữ liên lạc, thảo luận thường xuyên với các cổ đông về tình hình kinh doanh của công ty. Ông Phong báo cáo tiến độ, kết quả kinh doanh thường xuyên cho Hội đồng quản trị.

Trục trặc đã xảy ra cho đến khi ông Phong không báo cáo cho các cổ đông hiện tại việc tiếp cận, thương lượng và ký kết nhận vốn đầu tư với một nhà đầu tư mới cho công ty mới. Kết hợp với việc ông Phong chưa có hành động để chuyển quyền sở hữu 100% công ty mới cho công ty cũ/các cổ đông ở công ty cũ. “Điểm chạm đáng tiếc” là các yêu cầu chuyển giao cổ phần ở công ty mới từ ông Phong cho công ty cũ đã không được giải quyết ở cuộc họp Hội đồng quản trị và quá trình giải quyết vụ án sau đó. Việc dẫn đến phiên toà là một sự khó hiểu với ông Phong và đội ngũ hỗ trợ của ông trong khi chứng cứ của OOPA đã rất rõ ràng.

Điều đó cho thấy, chỉ một hành động sơ sót dù là vô tình hoặc cố tình cũng có thể đẩy mối quan hệ giữa người sáng lập/điều hành với các nhà đầu tư sang thái cực đối đầu. Ở đây, có thể chúng ta không biết câu chuyện thực sự của họ đã diễn ra như thế nào, nhưng rõ ràng điểm mấu chốt trên ít ra cũng là dấu mốc để thay đổi tình trạng mối quan hệ.