Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Cần cơ chế huy động vàng, ngoại tệ trong dân

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Cần cơ chế huy động vàng, ngoại tệ trong dân

Phát biểu tại Hội nghị ngành kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong năm 2021, bối cảnh thế giới còn nhiều bất định do tác động của đại dịch Covid-19. Căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia dự báo sẽ ngày càng gay gắt. Nhiều quốc gia đang có mức thâm hụt ngân sách và nợ công cao, làm gia tăng rủi ro, có thể dẫn tới khủng hoảng tài chính, nợ công trong tương lai.

Thế và lực của nước ta mặc dù đã lớn mạnh hơn trước rất nhiều, nhưng nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình vẫn còn hiện hữu. Các vấn đề xã hội gây áp lực lớn đến phát triển, như già hoá dân số, chênh lệch giàu – nghèo, nhất là Việt Nam được dự báo là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Do đó, chúng ta nhất thiết phải hành động ngay, mạnh mẽ và quyết liệt để không bỏ lỡ các cơ hội, dù là nhỏ nhất.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu ra một số nhiệm vụ chủ yếu cho năm 2021: Thứ nhất, phải thay đổi tư duy quản lý từ chủ yếu là kiểm soát, cho phép (tiền kiểm) sang chủ yếu phục vụ thúc đẩy phát triển (hậu kiểm). Có cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đại dịch Covid-19 khó khăn nhưng cũng mang đến cơ hội cho Việt Nam nắm lấy để bứt phá và trỗi dậy khi các cấu trúc kinh tế (sản xuất, thương mại, đầu tư…) và trật tự thế giới sẽ có sự điều chỉnh và thay đổi sâu sắc.

Chúng ta phải có các quyết sách đúng đắn và kịp thời, vì thời gian luôn là vàng và cũng là kẻ thù của chúng ta. Muốn đi nhanh, cần phải chọn được con đường đi đúng. Mọi chính sách phải xoay quanh hoặc hướng tới hạnh phúc của người dân vì người dân vừa là chủ thể vừa là mục tiêu để hướng tới. Không thể một lần nữa lại đứng ngoài hoặc đi sau, đi theo một cuộc chơi mới, sân chơi mới sắp diễn ra. Tranh thủ tận dụng nguồn lực con người để phát triển đất nước, nhất là trong giai đoạn dân số vàng, trước khi chuyển sang giai đoạn già hóa dân số.

Thứ hai, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng,thúc đẩy khởi nghiệp, trọng tâm là xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, các trung tâm ở 3 thành phố lớn là Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Thứ ba, nghiên cứu các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam làm sao để trở thành động lực cho tăng trưởng và phát triển; hoàn thiện thể chế để tiếp tục thúc đẩy, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp hơn nữa, định hướng trong thời gian tới nên tập trung vào đâu?

Rà soát doanh nghiệp FDI đánh giá tuân thủ pháp luật, nhất là bảo vệ môi trường, chống chuyển giá, thận trọng khi xem xét các dự án về luyện thép, nhiệt điện, nhôm. Rà soát lại các ưu tiên, ưu đãi cho các doanh FDI, đặc biệt là đối với doanh nghiệp có công nghệ thấp, tốn diện tích, tiêu hao năng lượng cao, rủi ro môi trường và các doanh nghiệp không có kế hoạch gắn kết lâu dài tại Việt Nam; thay đổi chính sách ưu đãi, chỉ tập trung cho những doanh nghiệp công nghệ cao có chuyển giao công nghệ, gắn kết với doanh nghiệp trong nước. Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ, bảo vệ môi trường và đổi mới sáng tạo là tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Thứ tư, tái cơ cấu danh mục tài sản công, tăng nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng, chuyển một số dự án PPP sang sử dụng vốn đầu tư công. Sử dụng nguồn vốn cổ phần hóa tập trung cho đầu tư phát triển, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia.

Phát hành trái phiếu Chính phủ cho một số dự án lớn không thể thu hút vốn đầu tư tư nhân. Có cơ chế khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư các dự án đô thị thông minh, bao gồm cơ cấu lại các đô thị cũ. Có cơ chế khuyến khích để huy động nguồn lực trong dân, nhất là vàng, ngoại tệ (như vay tương đương ODA). Có cơ chế thúc đẩy giải ngân vốn ODA đã cam kết.

Cuối cùng, “Việt Nam đang có trong tay cơ hội “có một không hai” để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, đó là “thời kỳ dân số vàng”. Phải tận dụng nhanh nhất cơ hội này cho phát triển, vì nếu không ta sẽ phải đối mặt với xu hướng già hóa dân số và thực trạng “già trước khi giàu”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.