Các ngân hàng đã chủ động giảm huy động tiền gửi?

Các ngân hàng đã chủ động giảm huy động tiền gửi?

Theo Trung tâm phân tích của Chứng khoán SSI (SSI Research), lãi suất tiền gửi đã giảm tổng cộng 200-250bps trong năm 2020 trong đó mạnh nhất là trong quý 3/2020.

Sáng quý 1/2021, SSI cho biết ghi nhận một số điều chỉnh tăng/giảm từ 10-40bps tại một số ngân hàng thương mại (NHTM) tập trung vào các kỳ hạn ngắn và khách hàng cá nhân nhưng hầu hết giữ nguyên mức lãi suất tiền gửi ở mức 3-4%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,5-5,5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 4,6-6%/năm với kỳ hạn 12 tháng trở lên.

Dù lãi suất tiền gửi giảm sâu xuống mức thấp chưa từng có nhưng huy động của các NHTM vẫn rất khả quan, cùng với đó là sự sụt giảm của cầu tín dụng khiến cho chênh lệch tiền gửi- tín dụng từ đầu năm 2020 đến này giãn khá rộng. Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, tính đến 19/3/2021, tăng trưởng tín dụng là 1,47% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng 0,54% của tiền gửi.

SSI cho rằng, bên cạnh sự dịch chuyển của dòng tiền sang các kênh đầu tư khác ngoài tiền gửi, các NHTM có thể đã chủ động giảm huy động để thu hẹp chênh lệch với dư nợ cho vay để đảm bảo mức sinh lời của ngân hàng.

Với lãi suất cho vay, trong năm 2020, lãi suất cho vay đã giảm từ 1-1,5%/năm, thấp hơn mức giảm của lãi suất tiền gửi (2-2,5%/năm). Nhờ vậy, biên lãi ròng (NIM) của hầu hết các NHTM đã tăng rất mạnh trong nửa cuối năm 2020 và hiện ở mức cao lịch sử, khoảng 4%.

Bởi vậy, nếu lãi suất tiền gửi duy trì ở mức thấp, các NHTM sẽ có cơ sở để giảm thêm lãi suất cho vay cho khách hàng bằng cách thu hẹp NIM về mức thông thường là 3,5%.

Khảo sát trong quý 1/2021, ngoài Vietcombank áp dụng giảm lãi suất cho toàn bộ dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid trong 3 tháng, BIDV triển khai gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ kéo dài đến 30/9/2021, một số ít NHTMCP cũng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ 10-40bps nhưng chỉ với thời gian ưu đãi trong 6-12 tháng đầu, biên lãi suất cộng thêm để tính lãi các kỳ sau đó không thay đổi. Lãi suất cho vay ở hầu hết các NHTM vẫn ổn định so với thời điểm cuối năm 2020.

Dự báo năm 2021, SSI cho rằng hoạt động kinh tế sôi động hơn sẽ khiến cầu tín dụng tăng mạnh hơn, lạm phát cũng tăng cao hơn trong nửa cuối 2021 khiến lãi suất tiền gửi gia tăng. Mặt bằng lãi suất tiền gửi vẫn tiếp tục ổn định trong hầu hết quý 2/2021 nhưng có thể nhích tăng từ 30-50bps trong nửa cuối năm 2021. Lãi suất cho vay đối một số lĩnh vực ưu tiên cũng có thể điều chỉnh giảm nhẹ ở một số ngân hàng nhưng về cơ bản mặt bằng lãi suất chung sẽ vẫn ổn định.