CEO Techcombank: Giá cổ phiếu TCB đang dần phản ánh đúng hơn sức khoẻ và lợi thế của Techcombank so với các ngân hàng khác như thế nào

CEO Techcombank: Giá cổ phiếu TCB đang dần phản ánh đúng hơn sức khoẻ và lợi thế của Techcombank so với các ngân hàng khác như thế nào

Sáng nay (24/4), Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank – TCB) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021. 

Ông Jens Lottner – CEO Techcombank cho biết, năm 2020 là một năm khó khăn chưa có tiền lệ trên thế giới, nhưng đây cũng là năm chưa có tiền lệ khi Techcombank đạt được nhiều thành tựu. Năm 2021 là năm kết thúc chiến lược 5 năm đã đặt ra và cũng năm bản lề cho chiến lược 5 năm tiếp theo.

Trong năm 2020, Techcombank tăng trưởng tín dụng cao nhất ngành, dùng hết hạn mức tín dụng mà NHNN giao cho Techcombank. Huy động cũng tăng mạnh, đặc biệt là tiền gửi không kỳ hạn (CASA).  

Ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch Techcombank cho biết, Techcombank duy trì chiến lược phát triển CASA rất mạnh, CASA thị trường chỉ 22% nhưng Techcombank lên tới 46%. “NIM chúng ta cao không phải nhờ lãi suất cho vay cao mà là nhờ chi phí vốn rẻ, CASA cao. Đó là lý do chúng ta không đi vào lĩnh vực rủi ro nhưng vẫn có lợi nhuận cao”, ông nói. 

Chất lượng tài sản Techcombank được kiểm soát với nợ xấu thấp nhất trong ngành ngân hàng, chỉ ở mức 0,5%.

CEO Techcombank cũng chia sẻ: “Mọi người có thể nhận xét rằng Techcombank tập trung nhiều vào cho vay bất động sản, nhưng thực tế chúng tôi đa dạng hoá và cho vay nhiều ngành khác nữa”. Ngân hàng luôn thận trọng trong quản trị nợ xấu, chủ động trích lập dự phòng để đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên cao. 

“Techcombank khác biệt như thế nào? Chúng tôi có hiệu quả hoạt động vượt trội. Chẳng hạn tỷ lệ CASA, CIR đều nổi trội hơn các đối thủ cạnh tranh. Techcombank được nhà đầu tư nhìn nhận hơn trên thị trường chứng khoán với giá cổ phiếu TCB phản ánh đúng đắn hơn sức khoẻ và lợi thế của Techcombank so với các ngân hàng khác như thế nào”, ông nói. 

“Chúng tôi đặt trọng tâm vào các lĩnh vực quan trọng mang lại nguồn lợi lớn nhất, không giàn trải ra tất cả, ví dụ như tập trung vào cho vay mua nhà (mortage), CASA, quản lý gia sản”, ông nói thêm. 

Vị CEO cũng cho rằng vị thế của Techcombank đã thay đổi, tầm nhìn của ngân hàng cũng có những bước phát triển mới bởi khách hàng ngày nay cũng thay đổi. 

“Chúng tôi không hài lòng với tốt mà muốn xuất sắc và vượt trội”, CEO Techcombank khẳng định. Ngân hàng đề ra khát vọng hiệu quả kinh doanh đến năm 2025: vốn hoá đạt 20 tỷ USD, tỷ lệ CASA đạt 55%, tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu đạt 20%. 

Mục tiêu lãi gần 20.000 tỷ đồng năm 2021 

Năm 2021, ngân hàng đạt mục tiêu dư nợ tín dụng tăng 12% đạt 356.199 tỷ đồng, hoặc cao hơn, trong mức Ngân hàng Nhà nước cho phép. Huy động vốn tăng 14,7% đạt 334.291 tỷ đồng hoặc cao hơn. 

Mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2021 của Techcombank là 19.800 tỷ đồng, tăng 25,3% so với năm ngoái. 

Năm nay, Techcombank tiếp tục trình cổ đông phương án phát hành cổ phiếu cho người lao động được lựa chọn (ESOP). Số cổ phiếu dự kiến phát hành là hơn 6 triệu cp.Giá bán cổ phiếu là 10.000 đồng/cp. Cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm. 

Tại đại hội năm nay, ngân hàng cũng sẽ bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024. Danh sách ứng cử viên được trình đại hội là ông Hồ Anh Ngọc, hiện đang đảm nhiệm Ban Đại diện miền Nam của Techcombank, là Chủ tịch HĐQT của One Mount Group, Chủ tịch Công ty CP 1MG Housing, Chủ tịch công ty CP One Distribition.

Phần thảo luận

Cổ đông: Ngân hàng đặt mục tiêu vốn hoá 20 tỷ USD năm 2025, làm thế nào đạt được?

Ông Jens Lottner: Chúng tôi muốn đạt được tăng trưởng cân bằng, bền vững, đa dạng. Như việc ngân hàng cho vay lĩnh vực BĐS là trọng tâm, không phải là lựa chọn vô căn cứ bởi chúng tôi đã lựa chọn kỹ càng về đối tác để bắt tay cùng. Như đã biết, nhóm người Việt thu nhập cao đã và đang có nhu cầu lớn về nhà ở và sẽ còn tiếp tục tăng trưởng trong tương lai.

Ngoài ra, Techcombank cũng đa dạng hoá danh mục sang các lĩnh vực kinh tế quan trọng như điện lực, viễn thông, năng lượng, tiêu dùng. 

Nếu tiếp tục tăng trưởng trong 5 năm tới tới tốc độ 25% mỗi năm thì chúng ta có thể đạt được vốn hoá 20 tỷ USD. Đây là tính toán khá đơn giản, xác định chúng ta đang ở đâu và tiếp tục đà tăng trưởng như hiện tại thì đạt được.

Cổ đông: Techcombank đang là Leader ở nhiều khía cạnh. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng làm theo được và họ cũng đang offer những thứ tương tự như phí 0 đồng, bán banca,….Vậy giai đoạn 2021-2025, chiến lược của chúng ta là gì để tiếp tục là Leader?

Ông Jens Lottner: Chúng ta là tiên phong thì những người khác cũng có thể đi theo. Chúng ta sẽ tạo ra khác biệt như thế nào? Chúng ta sẽ đưa những thứ khó bắt chước hơn, khó lặp lại hơn. 

Chẳng hạn như chương trình miễn phí thì khá dễ bắt chước nhưng mô hình banca, chất lượng tư vấn rất quan trọng. Hiện Techcombank đã làm việc với một fintech phát triển ra công cụ tư vấn, trong 3 tháng đã trang bị cho cán bộ tư vấn, khi họ tư vấn có thể sử dụng công cụ này để đảm bảo khách hàng hiểu rõ hơn về sản phẩm chuyên nghiệp hơn. Đây là một ví dụ.

Cổ đông: Năm 2020, 9 tháng đầu, phần cho vay gần như không tăng trưởng nhưng quý 4 tăng vọt, phần tăng này đến từ đâu?

Ông Hồ Hùng Anh: Vào quý IV, ngân hàng được NHNN nới room tín dụng thêm 7 – 8% nên có cơ hội tăng trưởng tín dụng cao vào quý cuối năm. 

Cổ đông: Năm 2018, vốn điều lệ Techcombank tăng đột biến gấp 3 lần lên ngang ngửa với 4 ngân hàng cổ phần nhà nước, vượt xa các NH tư nhân. Tuy nhiên hiện một số ngân hàng tư nhân cũng đang có kế hoạch tăng vốn mạnh từ chia cổ tức bằng cổ phiếu. Còn Techcombank?

Ông Hồ Hùng Anh: Vốn chủ sở hữu mới thực sự quan trọng. Việc chia hay không chia không quan trọng vì chúng ta đã tăng đủ. Câu chuyện là làm thế nào để sử dụng sao cho giá trị chúng ta tăng lên.

Dịch vụ F@st mobile thời gian qua có các sự cố gián đoạn trong các ngày nghỉ lễ, thứ bảy, chủ nhật do lượng giao dịch tăng mạnh. Techcombank đánh giá lỗi hệ thống này như thế nào và làm sao xử lý triệt để?

Ông Jens Lottner: Cuối tuần, lượng giao dịch thực hiện trên kênh số rất lớn do chi nhánh không hoạt động. Trước đây 1 giây có thể chỉ xử lý vài nghìn đến vài chục nghìn giao dịch nhưng hiện đã lên tới hàng triệu giao dịch. Ngoài việc đầu tư vào nền tảng Mobile Banking trên điện thoại di động, ngân hàng tham vọng đưa nền tảng lên điện toán đám mây, không bị giới hạn lượng giao dịch, khi đó sự cố gián đoạn sẽ không xảy ra nữa. Techcombank đang đầu tư số tiền lớn vào công nghệ. Techcombank hiện đang xin Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo về việc đưa dữ liệu lên điện toán đám mây.

Đại hội kết thúc và các tờ trình đều được thông qua.