Chân dung gia tộc đứng sau CP Group và tỷ phú giàu nhất Thái Lan

Chân dung gia tộc đứng sau CP Group và tỷ phú giàu nhất Thái Lan

Năm 2018, 1 doanh nhân bí ẩn người Thái Lan đã chi 150 triệu USD thâu tóm tạp chí kinh doanh đình đám Fortune. Đó chính là Chatchaval Jiaravanon, 1 thành viên của gia tộc Chearavanont, một trong những gia tộc giàu nhất Thái Lan. Khối tài sản khổng lồ của gia đình này chủ yếu đến từ Charoen Pokphand Group (CP), tập đoàn nổi tiếng với các hoạt động kinh doanh liên quan đến nông nghiệp.

Bao trùm Thái Lan

Từ 1 cửa tiệm nhỏ bán hạt giống ra đời năm 1921 tại đường Song Wat ở thủ đô Bangkok, đến nay CP đã lớn mạnh trở thành tập đoàn tư nhân hàng đầu Thái Lan với hơn 200 chi nhánh trên khắp thế giới, sử dụng hơn 300.000 nhân viên. Năm 2017, tập đoàn đạt doanh thu 54 tỷ USD.

Sau khi tiếp quản cơ nghiệp từ người cha năm 1969, Chủ tịch Dhanin Chearavanont đã mở rộng đáng kể tập đoàn, phát triển thêm nhiều mảng ngoài gốc gác nông nghiệp. Ngày nay CP cung cấp cho người tiêu dùng gần như mọi thứ, từ các hợp đồng bảo hiểm đến những miếng thịt lợn thơm ngon, từ những chuyến bay đến xe ô tô và thậm chí cả dịch vụ điện toán đám mây hay các bất động sản.

Hiện CP Group có 3 trụ cột chính. Mảng nông nghiệp CP Foods hoạt động tại 17 quốc gia, xuất khẩu sản phẩm đến hơn 30 nước tại khắp 5 châu và hiện là nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất thế giới. Đây cũng là một trong những công ty chế gia cầm, thịt lợn và tôm lớn nhất thế giới.

CP All là công ty đang vận hành hơn 11.000 cửa hàng 7-Eleven ở Thái Lan. Và True Corp là nhà mạng lớn thứ hai ở Thái Lan.

CP có mối quan hệ rất tốt với khu vực công. Có 1 câu chuyện đùa rằng nếu xét cấp bậc của viên chức nhà nước từ C1 đến C11 thì bậc tiếp theo là CP. Trong đội ngũ nhân viên có không ít người từng là nhân viên chính phủ trong bối cảnh nền chính trị Thái Lan gần đây trải qua nhiều biến động.

Cuối năm 2018, CP tham gia 1 liên minh đã trúng thầu xây dựng dự án đường sắt cao tốc trị giá 6,8 tỷ USD kết nối 3 sân bay đông đúc nhất Thái Lan. Đường sắt là lĩnh vực quá xa so với những mảng kinh doanh cốt lõi của CP, nhưng lại là ngành rất quan trọng đối với chuỗi sản xuất thịt gia cầm của CP.

Tại nhà máy chế biến thịt gia cầm Korat của CP Food nằm cách Bangkok vài giờ lái xe, mỗi năm có một lượng gia cầm rất lớn được chế biến hoàn toàn bằng máy móc. Korat sản xuất ra khoảng 36.000 tấn thịt tươi mỗi năm và hơn 65.000 tấn sản phẩm thịt gia cầm chế biến sẵn. Đã mua lại KFC ở Thái Lan, CP cung cấp thịt gà cho các cửa hàng KFC, phần cánh gà thường được xuất khẩu sang Nhật Bản.

Thịt gà CP cũng được cung cấp cho hơn 10.000 cửa hàng 7-Eleven ở Thái Lan. CP cũng vận hành CP Lotus, 1 chuỗi siêu thị lớn ở Trung Quốc, và một số cửa hang bán buôn thương hiệu Makro ở Thái Lan và Campuchia.

Không muốn bị bỏ lại phía sau trong thời đại internet, CP cũng cho ra mắt những nền tảng thương mại điện tử ở Thái Lan như wemall and weloveshopping.com. Lép vế trước những đối thủ được hậu thuẫn bởi Trung Quốc như Alibaba và JD.com, hi vọng tương lai trong mảng thương mại điện tử của CP nằm ở mảng giao hàng tạp hoá tận dụng các cửa hàng 7-Eleven.

Bài toán người thừa kế

Hiện đang là tỷ phú giàu nhất Thái Lan, Dhanin Chearavanont, vị chủ tịch cấp cao đã ngoài 80 tuổi của CP từng nói với báo chí về ý định để con trai cả (Soopakij) và con trai thứ ba (Supachai) lần lượt giữ chức Chủ tịch và CEO trong vòng 10 năm. Ông cũng cho biết sẵn sàng chọn 1 CEO là người ngoài, đồng thời cho biết CP sẽ mở 1 trường đào tạo lãnh đạo cho các doanh nghiệp tầm cỡ toàn cầu. Tập đoàn đã chi tổng cộng hơn 223 triệu USD với mong muốn nuôi dưỡng “thế hệ CEO tiếp theo” của thế giới.

Một lãnh đạo cấp cao của CP cho biết mặc dù những quyết định quan trọng chủ yếu vẫn do Dhanin đưa ra, 2 người con trai đã tham gia đàm phán và ra quyết định trong nhiều thương vụ.

Soopakij từng giúp mở rộng hoạt động của CP ở Trung Quốc, nơi CP là nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên rót vốn sau khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế trong cuối những năm 1970. Trước đó Soopakij từng là phó chủ tịch Hiệp hội xúc tiến thương mại và đầu tư Thái – Trung, xây dựng các mối quan hệ giữa 2 quốc gia như cha anh đã từng làm.

Trong khi đó Suphachai tốt nghiệp ĐH Boston ở Mỹ, sau đó về phụ trách mảng viễn thông của tập đoàn. CP bước vào mảng này từ năm 1990, bằng cách mua cổ phần của TelecomAsia, liên doanh với 1 công ty Mỹ đã trúng gói thầu lắp đặt 2 triệu đường dây điện thoại ở Bangkok. Đây chính là tiền thân của True Corp, mạng di động lớn thứ 2 và là nhà cung cấp internet lớn nhất ở Thái Lan.

Giới phân tích đánh giá quá trình chuyển giao quyền lực ở CP cũng là câu chuyện mà nhiều tập đoàn gia đình ở châu Á sẽ dõi theo bởi họ sẽ gặp phải những thách thức tương tự. Đó là làm sao để giúp tập đoàn gia đình – thường hoạt động trong các ngành truyền thống – thích nghi tốt với 1 thế giới mà công nghệ đang tạo ra những thay đổi chóng mặt.

Tham khảo Economist, Nikkei