Sau cuộc họp kéo dài hai ngày 14-15/12, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ( Fed ) cho biết sẽ kết thúc việc mua trái phiếu thời kỳ đại dịch vào cuối tháng 3, mở đường cho 3 đợt tăng lãi suất với biên độ 0,25 điểm phần trăm vào cuối năm 2022, khi nền kinh tế tối đa hóa việc làm và ngân hàng trung ương đối phó với sự gia tăng lạm phát.
Chia sẻ trên Cộng đồng Cố vấn Tài chính Việt Nam (VWA), ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO & Founder AFA Capital nhận định, với mức lạm phát năm 2022 nếu ở mức 2,6% và tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 3,5%, dự kiến năm 2022 sẽ có 3 lần tăng lãi suất với mức trung bình 0,9%. Tới năm 2023 lãi suất trung bình là 1,6% với 3 lần tăng và tới năm 2024 lãi suất trung bình tăng 2,1% với 2 lần tăng.
“Như vậy, chu kỳ lãi suất tiếp tục giảm và chương trình nới lỏng định lượng chính thức dừng lại ở năm 2022, đây là điểm chúng ta cần phải lưu ý”, ông Tuấn nhận định.
Động thái thắt chặt tiền tệ trở lại của Fed nếu diễn ra khiến giới đầu tư đặt mối quan tâm về sự ảnh hưởng của nó tới thị trường tài chính – tiền tệ tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, không chỉ có động thái từ Fed mà một số quốc gia khác cũng có tín hiệu giảm chính sách nới lỏng, ví dụ như Ngân hàng Trung ương Na Uy trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên của phương Tây tăng lãi suất sau khoảng 1,5 năm duy trì mặt bằng lãi suất siêu thấp chỉ ở mức 0%.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, ảnh hưởng của chính sách tiền tệ Mỹ tới Việt Nam là không đáng kể so với tốc độ tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc tới Việt Nam, thì yếu tố này tác động nhiều hơn so với chính sách tiền tệ của Mỹ.
Ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc điều hành AFA Capital lý giải: “Nguyên nhân là do nền kinh tế Việt Nam có đường biên giới với Trung Quốc và nhập siêu từ Trung Quốc cả tiểu ngạch và chính ngạch. Và với độ mở của nền kinh tế hiện nay ảnh hưởng của Trung Quốc tới Việt Nam là tất yếu”.