Chưa cần hành động, chỉ bằng lời nói ông Biden đã hạ nhiệt giá xăng dầu như thế nào?

Chưa cần hành động, chỉ bằng lời nói ông Biden đã hạ nhiệt giá xăng dầu như thế nào?

Phải đối mặt với những hệ lụy chính trị từ tỷ lệ lạm phát tăng mạnh nhất trong hơn 3 thập kỷ trở lại đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã dành cả tháng qua để nỗ lực giảm giá dầu. Giờ thì ông đã đạt được một chút thành tựu.

Kể từ cuối tháng 10 – khi giá dầu thô vượt mốc 85 USD/thùng và nhóm OPEC+ bỏ ngoài tai lời kêu gọi gia tăng sản lượng của Tổng thống Mỹ, ông Biden đã đe dọa sẽ mở kho dự trữ khẩn cấp của Mỹ, yêu cầu điều tra liệu ngành dầu mỏ Mỹ có thao túng giá hay không và thôi thúc các nước tiêu thụ dầu lớn trên khắp thế giới hãy hành động. Thậm chí chính quyền Biden đã tính đến chuyện áp dụng các biện pháp kiểm soát nhập khẩu.

Đối với bất kỳ Tổng thống Mỹ nào, giá xăng tăng là 1 rủi ro chính trị. Tuy nhiên, ông Biden có thêm nhiều lý do để lo lắng: giá năng lượng tăng cao trong khi giá của mọi mặt hàng từ thịt đến quần áo, xe hơi đều tăng vọt đang đe dọa đà hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch. Lạm phát còn đe dọa cả nỗ lực thông qua gói chi tiêu khổng lồ cho xã hội của ông Biden.

Điểm đặc biệt trong “cuộc chiến” giữa ông Biden và giá dầu là cho đến nay thực chất chính quyền Biden vẫn chưa có bất kỳ hành động nào. Chỉ cần những đồn đoán xung quanh dự định của ông Biden cũng đủ để khiến giá giảm.

Giá dầu thô Mỹ tương lai đã giảm khoảng 7% kể từ ngày 26/10 và đang được giao dịch ở mức dưới 80 USD/thùng. Giá xăng vẫn gần cao nhất 7 năm nhưng đã ổn định trở lại. Biden cũng có một chiến thắng khác khi Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới – thông báo kế hoạch mở kho dự trữ chiến lược lần thứ 2 trong năm nay ngay sau hội nghị trực tuyến giữa ông Biden và ông Tập Cận Bình.

Những nỗ lực của ông Biden có thể giúp giá dầu hạ nhiệt trong ngắn hạn. Tuy nhiên, quan trọng nhất sẽ là các câu hỏi: liệu có phải lần đầu tiên trong lịch sử 2 cường quốc hàng đầu thế giới sẽ bắt tay hợp tác để tạo ảnh hưởng trên thị trường dầu mỏ? Và liệu OPEC có coi đó là sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai nước tiêu thụ dầu nhiều nhất thế giới?

Tất nhiên chỉ thảo luận là chưa đủ. Ông Biden vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro. Không thể mở kho dự trữ mãi mãi, và OPEC có thể đối phó bằng cách rút lại kế hoạch tăng sản lượng – điều đe dọa sẽ khiến thế giới quay trở lại tình trạng mất cân bằng cung cầu.

Hiện thị trường dầu mỏ đang rất sôi động. Lực cầu hồi phục mạnh do các nền kinh tế bật mạnh sau đại dịch và hoạt động du lịch cũng khởi sắc trở lại. Kế hoạch chỉ tăng nhẹ sản lượng hàng tháng của OPEC ngày càng lung lay, trong khi ngành dầu đá phiến của Mỹ tiếp tục đặt lợi nhuận lên trước sản lượng.

Nhưng thị trường khó lòng phớt lờ những hành động của Tổng thống Mỹ.

Rebecca Babin, trader cao cấp đang làm việc tại CIBC Private Wealth Management, ước tính khoảng 75% đà giảm gần đây đến từ khả năng Mỹ mở kho dự trữ chiến lược. John Kilduff, chuyên gia của Again Capital LLC, cũng có quan điểm tương tự.

Ngoài ra, giá xăng còn hạ nhiệt nhờ Mỹ tăng lượng tồn kho và số ca nhiễm Covid-19 tăng trở lại. Hiện trung bình người Mỹ đang phải trả 3,4 USD cho mỗi gallon tại trạm xăng, mức cao nhất kể từ năm 2014.

Trong khi chờ đợi những hành động quyết liệt của ông Biden, các trader – phần lớn nhận định thị trường vẫn đang thiếu nguồn cung – vẫn đang đối phó với những cú biến động giá rất mạnh trong suốt 1,5 tháng qua. Một số cho rằng ông Biden chỉ đang mua thêm thời gian và kỳ vọng khi khối lượng giao dịch giảm xuống vào dịp lễ sắp tới, giá sẽ tự điều chỉnh giảm.

 Tham khảo Bloomberg