Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh bình luận về tổng số kết dư quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp tính đến hết năm 2020 ước đạt trên 935.100 tỷ đồng.
Việc này cần phải được xem lại, liệu mức đóng quỹ đã đảm bảo hay chưa, có phù hợp với tổng số lương mà người lao động phải đóng góp hay không.
“Đơn cử, trước đây tiền lương bình quân của người lao động khoảng 5 triệu đồng/tháng, mức đóng bảo hiểm ví dụ là 10%. Tuy nhiên, bình quân mức lương người lao động hiện nay có thể được nâng lên 15 triệu đồng/tháng, nhưng bảo hiểm vẫn thu 10% thì người lao động sẽ phải đóng nhiều hơn, trong khi mức chi trả vẫn như cũ thì người lao động lại được hưởng ít hơn. Đây là nguyên nhân tạo ra kết dư và nới rộng khoảng cách tồn quỹ”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Bên cạnh đó là tỉ lệ chi trả bảo hiểm. Như Quỹ Ốm đau, thai sản, Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, Quỹ Hưu trí, tử tuất… mức chi trả đã hợp lý và chính đáng hay chưa. Ví dụ, trong các loại bảo hiểm, chi trả kém nhất là bảo hiểm xe máy.
Trước đây phải đóng mấy trăm nghìn nhưng người dùng không mua, thì nay ngoài vỉa hè lại sẵn sàng bán với giá 20.000 đồng/năm. Vì người mua có tâm lý thứ nhất là giá rẻ, thứ hai để đối phó với cảnh sát giao thông. Nhưng nếu xảy ra tai nạn mà mong được hưởng bảo hiểm thì khó ngang “lên trời”.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc đặt ra câu hỏi về kết dư lớn là rất chính xác, vì qua đây sẽ buộc cơ quan bảo hiểm phải thường xuyên xem xét và tính toán lại mức đóng góp cho từng loại bảo hiểm phù hợp với từng điều kiện hoàn cảnh của người dân, cũng như mức mà người lao động được hưởng nếu không may xảy ra khó khăn hay gặp rủi ro.
Theo quan điểm của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, ngành bảo hiểm cần có những chuyên đề nghiên cứu thật sâu sắc về vấn đề này. Với đóng góp trong bảo hiểm xã hội, hiện vẫn chưa đủ ở mức bình quân như các nước có thu nhập trung bình của thế giới.
Nhưng chi tiêu của các quỹ bảo hiểm hiện nay còn quá ít so với đóng góp mà người lao động bỏ ra. Ngoài việc thủ tục chặt chẽ thì mức thụ hưởng vẫn còn thấp, chưa tương xứng với mức đóng của người lao động.
Ngoài ra, điều chúng ta hay nhắc đến nhiều là việc chi cho đào tạo lại lao động. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng trong bảo hiểm thất nghiệp, vì muốn cho người lao động không bị thất nghiệp thì điều cần nhất là người lao động phải luôn được đào tạo, nâng cao tay nghề để đáp ứng cho yêu cầu đổi mới sản xuất cũng như dây chuyền công nghệ mới tại doanh nghiệp.