Đại dịch bùng phát từ đầu năm 2020 và tiếp tục diễn biến phức tạp: Sau những cơn khủng hoảng, chúng ta dần thấy trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng một sự dịch chuyển, thay đổi để dần thích ứng. Điều này đang tạo nên bức tranh mới cho kinh tế, xã hội, các chuyên gia ghi nhận.
Sẽ không bao giờ có sự quay trở lại những ngày truyền thống chúng ta từng biết
Trong buổi chia sẻ trực tiếp mới đây, chuyên gia Nguyễn Phi Vân tiếp tục nhấn mạnh những cách thức trong một thế giới bình thường mới. Quan điểm được bà Vân đưa ra giữa bối cảnh dịch bệnh liên tục bùng phát tại các khu vực, Việt Nam cũng không ngoại lệ với làn sóng thứ 4. Trong đó bà Vân đã có một cuộc khảo sát nhanh với các cá nhân trên toàn thế giới và là những người lãnh đạo chủ chốt tại các công ty, trong một số lĩnh vực.
“Tất cả mọi người đều đồng ý sẽ không bao giờ có sự quay trở lại những ngày truyền thống chúng ta từng biết. Điều chúng ta từng biết về đó là việc business, kênh bán hàng, phương thức phát triển mô hình kinh doanh… trong quá khứ, nhưng nay tất cả đều đã thay đổi do đại dịch”, bà Vân mở đầu buổi chia sẻ.
Cần xác định rõ, Covid-19 sẽ còn kéo dài, không chỉ dừng lại ở chuyện gián đoạn mà sẽ thay đổi cách vận hành hiện nay, cách chúng ta hoà nhập tương lai. Nhiều người vẫn mong muốn Covid-19 mau qua đi để có thể quay lại bình thường, nhưng hãy quên điều đó đi vì mọi thứ sẽ thay đổi hậu đại dịch!
Ghi nhận trong đại dịch, rất nhiều người vẫn còn giữ tư duy, cách làm truyền thống và mong đợi mọi thứ quay trở lại sau Covid-19. Tuy nhiên, chúng ta thực sự không thể tiếp tục bước đi với tư duy cũ, cách làm cũ, điều này là chắc chắn.
Vậy bước đi tiếp theo là gì? Cái gì là cái mới khi những cái cũ không còn phù hợp?, vị này đặt vấn đề.
Điều đầu tiên, ai cũng nói cái mới là phải lên online, bà Vân cho rằng không cần thiết phải tư duy cực đoan như vậy. Thay thế, chúng ta có thể tư duy chủ động hơn theo hướng: nếu trước đây offline là kênh chính thì nay chuyển sang online là kênh chính.
Dĩ nhiên, chúng ta không thể phủ nhận hoàn toàn tác dụng của kênh offline, nhưng hậu đại dịch nhiều doanh nghiệp có thể cần phải xem xét lại cách bố trí, vận hành và đặc biệt là sự liên kết, hợp tác với kênh online để có thể khai thác hiệu quả nhất.
“Có 2 việc ở đây, với mảng online chúng ta phải phát triển ra nhiều kênh khác nhau, nhiều hình thức tiếp cận khác nhau cũng như kết nối nhiều đối tác khác nhau. Song song, chúng ta cũng phải thay đổi kênh offline sang một dạng thức mới. Khi hai cách này ‘merge’ (hoà vào) được với nhau thì chúng ta mới có một mô hình kinh doanh ổn định.
Cho nên không cần quá cực đoan rằng chỉ có online mới sống, thì business mới có sự cân bằng, mới có thể phát triển bền vững. Giống như cảm xúc, cần có những điểm chạm để có thể kết nối truyền tải thông tin nhanh, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp”, bà Vân nói.
Thứ hai, làm sao để số hoá doanh nghiệp của mình? Đây không còn là lựa chọn mà là sự sống còn của tương lai. “Công ty số hoá là điều kiện cần để bạn tồn tại và phát triển trong tương lai, nó không phải ‘nice-to-have’. Nghĩa là, chuyển đổi số không còn là lựa chọn, không phải khi có tiền thì tôi mới làm còn không thì tôi có thể không làm. Chuyển đổi số cần xác định là điều kiện để tồn tại, và vì là điều kiện để tồn tại nên nó là bắt buột phải làm”, bà Vân nói.
Tuy nhiên, rất nhiều đơn vị vẫn còn bối rối trước chuyển đổi số. Vậy, bước đầu tiên để có thể chuyển đổi số là gì?
Lấy ví dụ, khi nhìn công ty số hoá, thì tương tự như khi nhìn một tảng băng, chúng ta chỉ thấy 10% thôi. 10% ở đây là platform, là các kênh online, có nhiều đối tác khác nhau… cùng liên kết với nhau và tạo hiệu ứng trên thị trường.
Còn 90% còn lại là cái gì để có thể xây dựng nền tảng để kết nối tất cả những thứ kể trên, từ đó phát huy được tác dụng và tạo dựng được thương hiệu, bán được hàng và đem doanh thu về cho doanh nghiệp. Đây là những điều nằm phía dưới tảng băng, chúng ta không nhìn thấy nên thường không quan tâm. Theo bà Vân, 90% này gọi chung là quản trị số.
Quản trị số tức là quá trình tìm ra, thu thập và đẩy dữ liệu khách hàng thu thập được qua một hành trình, và tiến hành quản trị hành trình đó. Lúc này, chúng ta sẽ giải quyết những bài toán liên quan đến việc lưu trữ những dữ liệu này như thế nào, phân loại và phân tích chúng như thế nào…?
3 thử thách lớn nhất khiến chuyển đổi số thất bại
Mặt khác, khi nói về số hoá, tại sao thường doanh nghiệp lớn làm tốt nhưng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) không làm được. Theo bà Vân, có 3 thử thách lớn nhất, nếu có thể giải quyết được thì số hoá là quá trình đơn giản và có thể xúc tiến nhanh.
Đầu tiên, muốn làm được theo bà Vân thì lãnh đạo dự án số hoá phải hiểu về kinh doanh, hiểu về công nghệ đồng thời hiểu về dữ liệu. Người này phải có khả năng quản lý dự án, tập hợp nguồn lực hiện có để đưa vào dự án, hoạt động nhịp nhàng với nhau. Mỗi đơn vị rất cần người như vậy, nhưng vấn đề lớn người này thường không phải chủ doanh nghiệp.
Thường lãnh đạo doanh nghiệp có thể rất hiểu về công ty của mình, hiểu mô hình kinh doanh của mình trong quá khứ nhưng chưa chắc đã có thể hiểu mô hình kinh doanh trong tương lai. Cũng như rất ít chủ doanh nghiệp hiểu về công nghệ, về số, về dữ liệu: Đây là điểm mù lớn ngăn cản doanh nghiệp tiếp cận số hoá nhanh.
Thứ hai, người ta chỉ có thể thực hiện số hoá khi người này hiểu được không còn đường lui nào khác; tức làm không được đồng nghĩa sẽ chết. Điều này nói lên sự quyết tâm, quyết liệt phải cực kỳ cao khi chuyển đổi số, thậm chí độc tài thì khả năng thành công mới cao, bà Vân nói. Hiểu nôm na, doanh nghiệp phải có sự quyết liệt, đây cũng là điều khó nhất với SME.
Trong đó, thử thách của bản thân chủ doanh nghiệp khi mình không đủ hiểu số hoá thì sẽ đi cùng với cảm nhận rủi ro rất lớn. Do đó, người đứng đầu dự án chuyển đổi số thường sẽ bất đồng quan điểm với chủ doanh nghiệp.
“Để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi phải có sự tin tưởng tuyệt đối lẫn nhau. Có thể bản thân chủ doanh nghiệp không quá hiểu về chuyển đổi số, nhưng cần có niềm tin vào đội ngũ công nghệ. Có một đợt tôi thao gia diễn đàn ở Seoul, một trong những điểm sáng nhất của hệ sinh thái Nauy được chia sẻ là mọi người tin tưởng lẫn nau. Khi một người không đủ kiến thức về chuyển đổi số, dù có đa nghi lo lắng những vẫn tin tưởng đối tác của mình, từ đó ủng hộ và đi đến thành công”, bà Vân nói.
Thực tế, ở Việt Nam đa số trường hợp thất bại thường mọi người không có đủ niềm tin để đi đến cùng
Cuối cùng về mặt kỹ thuật, tại Việt Nam các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ về số hoá, digital marketing… hiện khá rời rạc. Tức mỗi người có một giải pháp riêng về một lĩnh vực nào đó, nên khi đi chào doanh nghiệp chỉ nói về một giải pháp của riêng người ta, không cho doanh nghiệp thấy được một bức tranh tổng quát về chuyển đổi số.
Ngược lại, các tập đoàn lớn thường có một công ty tư riêng về vấn đề quản trị cả một hành trình chuyển đổi số xuyên suốt, SME thì không có đủ thu nhập để thực hiện điều đó.
“Không có một nền tảng xuyên suốt, giải pháp rời rạc dẫn đến SME hoang man, không nhìn thấy được bức tranh toàn cảnh vì chỉ thấy được những mảng ghép thôi”, bà Vân chốt lời.