Cổ đông Vietcombank, VietinBank và BIDV sẽ sớm được “nhận quà”?

Cổ đông Vietcombank, VietinBank và BIDV sẽ sớm được “nhận quà”?

Đến tuần qua, cả Vietcombank , VietinBank và BIDV đều đã thực hiện ĐHĐCĐ thường niên 2021. Cả ba đều lên kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ, trong đó có phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu, chào bán riêng lẻ.

Điểm được cổ đông quan tâm suốt những năm qua là phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu, từ nguồn lợi nhuận giữ lại tích lũy lớn. Đây cũng là mong muốn của chính ngân hàng, nhằm nhanh chóng có mức vốn cao hơn để đảm bảo yêu cầu hoạt động.

Yêu cầu đó cụ thể và sát sườn. Trước hết, do chưa tăng được vốn điều lệ đủ tầm, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của họ thời gian qua chỉ mấp mé mức quy định theo Thông tư 41, và đây là một trong những nguyên do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bước đầu chỉ giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khá thấp.

Năm 2021, ngoại trừ Vietcombank được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khá cao với 10,5%, còn lại chỉ quanh 7%. Nhìn sang khối cổ phần tư nhân, do vốn điều lệ cân đối tốt các chỉ tiêu an toàn, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được giao cao hơn, như Techcombank được 12%.

Ngoài ra, vốn điều lệ chưa tăng được như yêu cầu có thể sẽ ảnh hưởng đến hạng mức tín nhiệm.

Yêu cầu tăng vốn cũng được đo cụ thể. Như tại Vietcombank, mức vốn điều lệ hiện nay vẫn còn thấp hơn khoảng 21.000 tỷ đồng so với mức kế hoạch tại Phương án cơ cấu lại đã được NHNN phê duyệt tương ứng cho năm 2020.

Như trên, cả ba ngân hàng này đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ năm nay; các phương án tăng vốn, trong đó tập trung qua trả cổ tức bằng cổ phiếu đều đã được thông qua.

Tại VietinBank, có hai phương án về cổ tức. Phương án 1 là tại thời điểm chia cổ tức, VietinBank chưa hoàn thành tăng vốn từ chia cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế, trích các quỹ năm 2017, 2018 và phần lợi nhuận còn lại sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức tiền mặt của năm 2019. Khi đó, VietinBank sẽ chia cổ tức tiền mặt 5% và chia cổ tức 17,7% bằng cổ phiếu.

Phương án 2 là tại thời điểm chia cổ tức, VietinBank đã hoàn thành tăng vốn từ chia cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế, trích các quỹ năm 2017-2018 và phần lợi nhuận còn lại sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt của năm 2019. Trong trường hợp này, VietinBank trình cổ đông phương án chia cổ tức tiền mặt 5% và cổ tức bằng cổ phiếu là 12,6%.

Tại BIDV, phương án tăng vốn gồm phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%) đã được dự tính, cùng phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ, tương đương 8,5% vốn điều lệ.

Tại Vietcombank, việc tăng vốn được trù tính theo hai cấu phần. Cấu phần qua trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận giữ lại những năm qua lên tới 27,6%, sau khi thực hiện phương án trả 8% cổ tức bằng tiền mặt; cấu phần hai là qua chào bán 6,5% cổ phần riêng lẻ.

Tất cả các kế hoạch trên đều là phương án, chưa thể xác định thời điểm thực hiện cụ thể. Trong đó, BIDV dự tính sẽ thực hiện được việc chia cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến trong quý 3 và 4/2021.

Do cả ba ngân hàng này đều đang có sở hữu Nhà nước chi phối, liên quan đến vốn Nhà nước và vấn đề ngân sách nhà nước (qua thu cổ tức). Nếu trả cổ tức bằng cổ phiếu, Nhà nước tiếp tục đầu tư vào đây.

Tháng 10/2020, Chính phủ đã có Nghị định số 121 sửa đổi, bổ sung Nghị định 91 năm 2015 về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Nghị định 121 đã tạo điều kiện về mở cơ chế để ba ngân hàng trên được thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Ngay sau đó, như tại VietinBank, cuối năm 2020 đã có kế hoạch dự tính trả cổ tức tỷ lệ 28,8% để tăng vốn nhưng chưa thể thực hiện.

Đến nay, như trên, cả ba ngân hàng đều tiếp tục lên kế hoạch; lượng cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến quy mô lớn. Và triển vọng cũng được gợi mở.

Cụ thể, tại ĐHĐCĐ ngày 23/4 vừa qua, trả lời cổ đông, ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết việc trả cổ tức bằng cổ phiếu về nguyên tắc đã được tất cả các cấp có thẩm quyền chấp thuận, và ông Dũng hy vọng sẽ triển khai sớm nhất có thể.