Đó là bởi vì căng thẳng đẩy giá xăng dầu lên cao trong khi đây là mặt hàng quan trọng với người dân Mỹ. Người tiêu dùng lại là động lực thúc đẩy khoảng 70% nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Giá dầu và các mặt hàng đã đang tăng do lo ngại việc Nga đưa lực lượng gìn giữ hòa bình tới miền Đông Ukraine, khu vực Moscow vừa mới công nhận độc lập và chủ quyền cho lực lượng ly khai. Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt đáp trả của Mỹ và đồng minh có thể dẫn tới việc nguồn cung dầu bị hạn chế. Nga là nước xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới.
Ngoài ra, Nga cũng là nước xuất khẩu lúa mì và paladi lớn nhất. Moscow cũng là một trong những nước cung cấp chủ yếu về niken, nhôm và các kim loại khác.
Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, cho biết: “Điều thực sự có tác động là dầu mỏ. Giá dầu có thể tăng thêm 10-15 USD/thùng trong trường hợp căng thẳng leo thang hơn nữa. Nó sẽ khiến giá xăng tăng 30 tới 40 cent mỗi gallon. Con số này bằng nửa điểm phần trăm so với lạm phát tiêu dùng hàng năm của Mỹ, vốn đã đạt mức 7,5% ở thời điểm hiện tại”.
Chính bởi lý do đó, ông Zandi tin rằng căng thẳng ở Ukraine có thể làm phức tạp thêm nỗ lực chống lạm phát của FED cũng như tiến trình tăng lãi suất.
Hiện tại, người tiêu dùng Mỹ đang phải trả khoảng 3,53 USD/gallon xăng, tăng 90 cent so với 1 năm trước và 21 cent so với tháng trước. Dầu thô tăng giá khoảng 50% trong năm qua. Các nhà kinh tế cho rằng giá dầu sẽ tác động đến chính sách của FED. Giá dầu tăng là chất xúc tác cho lạm phát và cuối cùng có thể trở thành lạm phát nếu giá dầu tăng cao kéo dài, làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Các nhà phân tích trong lĩnh vực năng lượng nhận định nếu Nga tiến hành hoạt động quân sự toàn diện ở Ukraine, giá dầu có thể tăng cao hơn nữa.
Bruce Kasman, chuyên gia kinh tế trưởng của JPMorgan, cho biết: “Nó có thể khiến mọi thứ trở nên phức tạp hơn”. Tuy nhiên, Kasman tin rằng FED cũng chỉ tăng lãi suất 0,25% trong tháng 3 nhưng có tới 6 lần tăng nữa trong năm nay.
Hiện tại, trọng tâm của FED là kiểm soát lạm phát, vốn đang nóng và kéo dài hơn so với dự kiến. Các chuyên gia nghĩ dầu vọt lên 150 USD/thùng là ít có khả năng xảy ra nhưng phía trước vẫn là “một viễn cảnh đen tối”. Giá nhiên liệu tăng cũng buộc FED phải quan tâm.
“Tôi nghĩ rằng điều đó sẽ thúc đẩy FED bình thường hóa chính sách một cách nhanh chóng hơn vì họ tập trung nhiều vào tác động lạm phát hơn là động lực tăng trưởng. Đại dịch là một cú sốc lớn và phủ lên đó là một cú sốc khác của giá dầu. Chúng ta phải đối đầu với 3 cú sốc nghiêm trọng cùng một lúc. Đó là lý do tại sao điều này trở nên khó khăn đối với FED”, Zandi nói.
Tuy nhiên, Kasman lại cho rằng FED vốn không quen với việc tăng lãi suất trong thời kỳ giá dầu đang cao. “Nó chắc chắn gây thêm áp lực. Nếu lãi suất tăng ở chừng mực mà tăng trưởng không bị ảnh hưởng, lạm phát sẽ cao hơn và trở thành vấn đề trung hạn”, Kassman nói.