Covid-19, lũ lụt, chiến tranh thương mại: TQ đang đối mặt với nguy cơ an ninh lương thực như thế nào?

Covid-19, lũ lụt, chiến tranh thương mại: TQ đang đối mặt với nguy cơ an ninh lương thực như thế nào?

Trong những tháng gần đây, Trung Quốc liên tục chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, lũ lụt ở khu vực miền Nam và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung làm dấy lên câu hỏi về vấn đề an ninh lương thực của nước này.

Kể từ khi Covid-19 bùng phát vào cuối năm 2019, ngành nông nghiệp Trung Quốc đã phải hứng chịu một loạt đòn tấn công nghiêm trọng: Diện tích trồng trọt không đủ, giá lương thực tăng và đàn lợn giảm. Lũ lụt ở miền nam Trung Quốc kể từ tháng 6 càng khiến một diện tích lớn tại các khu sản xuất lương thực chính của Trung Quốc mất mùa, giảm sản lượng thu hoạch.

Theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hồi tháng 7, diện tích trồng trọt mùa hè năm 2020 nước này là khoảng 392 triệu mẫu, giảm 2,724 triệu mẫu so với năm 2019, tức giảm 0,7%.

Mặc dù vậy, tổng sản lượng lương thực mùa hè năm 2020 của Trung Quốc vẫn sẽ đạt mức 142,8 triệu tấn do năng suất cao hơn, tăng 0,9% so với cùng kỳ, nhưng nó cũng thấp hơn nhiều so với mức tăng gần 2% trong những năm trước đó, tương đương giảm 1,56 triệu tấn so với dự kiến. So với năm 2019, giá lương thực của Trung Quốc tăng 11,1% trong nửa đầu năm 2020, trong đó giá thịt lợn tăng 81,6%.

Theo báo tiếng Hoa Đa chiều, Trung Quốc thực sự đang trải qua một cuộc khủng hoảng về giá cả nông nghiệp và thực phẩm.

Tuy nhiên, từ góc độ về tổng sản lượng lương thực của Trung Quốc có thể thấy, mặc dù đại dịch Covid-19 và lũ lụt ở miền Nam đã khiến sản lượng lương thực thu hoạch vào mùa hè 2020 của Trung Quốc giảm ở mức độ nhất định nhưng đây chỉ là con số rất nhỏ so với kho dự trữ lương thực khổng lồ của nước này.

Theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, tổng sản lượng lương thực của Trung Quốc trong năm 2018 và 2019 đều đạt khoảng khoảng 650 triệu tấn trở lên, và sản lượng lương thực bình quân đầu người là khoảng 470kg.

Mức tăng thấp hơn dự kiến ​​1,56 triệu tấn lương thực mùa hè năm 2020 chỉ tương đương với mức giảm trung bình hàng năm là 2,2 kg lương thực tính theo đầu người. Do đó, sự thay đổi nhỏ ​này không có khả năng gây ra bất kỳ cuộc khủng hoảng lương thực nào trong thực tế ở Trung Quốc.

Đồng thời, đánh giá từ mức tiêu thụ thực phẩm của người dân Trung Quốc trong mười năm qua, mức tiêu thụ lương thực hàng năm của Trung Quốc về cơ bản đã ổn định ở mức khoảng 130kg, ít hơn 27,6% so với 470kg sản lượng lương thực bình quân đầu người hàng năm.

Ngoài ra, đánh giá tình hình từ kho dự trữ trung ương và địa phương của Trung Quốc, theo thông báo từ Cục Dự trữ lương thực và vật tư và Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc, dự trữ gạo và lúa mì hiện tại của Trung Quốc có thể đáp ứng thị trường ít nhất một năm trở lên. Nguồn cung thị trường bột và gạo thành phẩm ở hầu hết các tỉnh thành là hơn 30 ngày. Điều này tất nhiên chưa bao gồm khối lượng dự trữ lương thực trong kho vốn có.

Nói cách khác, dù cùng lúc chịu nhiều đòn tấn công ở nhiều phương diện, Trung Quốc vẫn sẽ đảm bảo được nguồn lương thực sử dụng trong một năm.