Khi đại dịch Covid-19 buộc người tiêu dùng trên khắp thế giới phải ở nhà, hầu như mọi thứ từ rau củ quả cho tới vật dụng làm vườn, đều được mua sắm trực tuyến. Theo báo cáo Recovery Insights mới đây, chi tiêu bán lẻ trực tuyến trên khắp thế giới trong năm 2020 đã gia tăng thêm khoảng 900 tỷ USD. Nói cách khác, trong năm 2020, cứ mỗi 5 USD chi tiêu bán lẻ thì thương mại điện tử chiếm khoảng 1 USD, tăng từ tỷ lệ 1/7 vào năm 2019.
“Dù bị mắc kẹt ở nhà, người tiêu dùng vẫn có thể tiêu tiền ở bất cứ đâu nhờ thương mại điện tử (TMĐT).Các quốc gia và công ty đặt ưu tiên cho lĩnh vực số sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành quả. Phân tích của chúng tôi cho thấy ngay cả những doanh nghiệp nhỏ nhất cũng nhận ra lợi ích khi chuyển sang nền tảng kỹ thuật số”, đại diện Mastercard nói.
Ghi nhận, TMĐT quốc tế tăng cả về quy mô doanh số lẫn số lượng quốc gia có đơn đặt hàng. Với vô vàn lựa chọn dễ dàng, tính đến tháng 2/2021, chi tiêu tương ứng đã tăng khoảng 25-30% so với tháng 3/2020. Người tiêu dùng cũng gia tăng sử dụng TMĐT, số các cửa hàng trực tuyến mà họ mua sắm tăng 30%.
Việt Nam cũng không ngoại lệ, TMĐT với tính bắt buột và sống còn cũng đang tăng trưởng nóng hơn bao giờ hết. Cần nhấn mạnh, những Tập đoàn mang quy mô lớn dễ dàng hiểu cũng như thực hiện chuyển đổi số hơn những doanh nghiệp địa phương nhỏ lẻ. Trong khi tại Việt Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) là xương sống của nền kinh tế, chiếm 97% vào tổng số doanh nghiệp tại thị trường và đóng góp 45% vào tổng GDP năm 2020.
Bản thân doanh nghiệp không bắt đầu chuyển đổi số thì không bao giờ phát triển được!
Sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, các SME đang gặp nhiều khó khăn và thử thách; thống kê có đến 87,2% SME bị ảnh hưởng tiêu cụ và khoảng 101.700 SME đóng cửa/tạm ngừng kinh doanh do Covid-19 (tăng 13,9% so với năm 2019). Khi mà, thị trường trong và ngoài nước đều bị thu hẹp, đồng thời việc tiếp cận khách hàng vấp phải khó khăn do hành vi của người tiêu dùng thay đổi. Đơn cử, lượng người đi lại tại các khu trung tâm mua sắm giảm 19%; lượng người mua sắm online trên di động (2020 so với 2019) tăng 25%…
Theo đó, SME cũng đã nhận biết được tầm quan trọng của xu hướng chuyển đổi số trong các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Và dù đến 96,9% SME cho rằng chuyển đổi số đóng vai trò quan trong, tuy nhiên đến 57,6% SME chưa áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất và kinh doanh hằng ngày.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT (Vecom) cho biết: “Khó khăn của doanh nghiệp là việc tiếp cận chuyển đổi số nói chung và TMĐT nói riêng. Thực tế, đây cũng là tôi nghe nhiều nhất thời gian qua. Hiện, Vecon đang hỗ trợ 500.000 SME để tham gia bán online, trong số nhận được rất nhiều khó khăn, ví dụ về cách thức làm sao để đưa lên nền tảng, thậm chí có đơn vị còn yêu cầu chỉ giao hàng rồi Vecom tự mang lên nền tảng… Tuy nhiên, bản thân doanh nghiệp không bắt đầu thì không bao giờ phát triển được”.
Cần khẳng định lại một lần nữa, mục đích lớn nhất của TMĐT là làm sao để bán được hàng, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19, ông Dũng nói. Bởi, gần như thời buổi này không lên TMĐT đồng nghĩa với việc không tồn tại. Song, vẫn còn nhiều lúng túng từ phía doanh nghiệp sản xuất. Ví dụ các làng quê mỗi làng mỗi sản phẩm đặc thù, người sản xuất trước đây chỉ biết hoàn thành sản phẩm đẹp rồi, tốt rồi nhưng lại không biết bán hàng ra như thế nào?
“Và lúc này, điều cần làm là số hoá sản phẩm và đưa sản phẩm lên nền tảng TMĐT. Chuyển đổi số không phải sáng tạo để đưa sản phẩm sánh vai ngang tầm với thế giới, mà chỉ cần phối hợp để đưa lên nền tảng, bán hàng được. Hơn nữa, việc lặp đi lặp lại hình ảnh sản phẩm cũng tạo hiệu ứng tốt, đơn cử sen hồ của Việt Nam đang được quan tâm hơn, sản phẩm từ thanh long cũng được tìm kiếm nhiều hơn…”.
Trong động thái mới nhất, Vecom đã bắt tay ký kết chiến lược với TikTok, nhằm hỗ trợ nâng cao kỹ năng tiếp thị video dạng ngắn cho các doanh nghiệp thành viên, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam. “Với TikTok, thông qua các đoạn video ngắn sẽ thu hút hơn rất mạnh. Video dạng ngắn là phương thức tốt nhất để tạo niềm tin và hành vi mua hàng của người tiêu dùng. Thống kê cho thấy 84% người dùng đã mua hàng/dịch vụ sau khi xem video của nhãn hàng, 96% xem các video giải thích về dịch vụ và sản phẩm, 69% người dùng ưa thích xem các video ngắn về sản phẩm và dịch vụ…”, ông Dũng nhấn mạnh.
Một trong những loại hình kinh doanh cũng chịu tác động lớn bởi Covid-19 và gặp nhiều thách thức để chuyển đổi số: F&B. Việt Nam trong mắt thế giới khá nổi tiếng với nền ẩm thực phong phú, đây cũng là thị trường tiềm năng cho ngành F&B phát triển mạnh mẽ. Thực tế cũng ghi n hận số lượng outlet F&B chạm mốc 540.000 đơn vị trong năm 2019. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 ập đến khiến hàng loạt cửa hàng phải tạm ngưng hoạt động.
Doanh nghiệp có xu hướng lập liên minh cùng chuyển đổi số
Chia sẻ bởi người trong cuộc, ông Ngô Anh Ngọc, Giám đốc CTCP Babuki nhận định: “F&B là loại hình kinh doanh tự bỏ vốn đầu tư là chính, thì nay tất cả gần như chuyển sang nhượng quyền và liên kết vốn để bảo toàn nguồn lực. Nhưng, có một xu hướng đáng quan tâm hơn, đó chính là không chỉ còn kinh doanh offline với các cửa hàng ở vị trí đẹp, decor bắt mắt mà online cũng đang là cuộc chơi vô cùng quan trọng”.
Thực tế, hầu hết các đơn vị ngành hàng F&B từ cafe, quán ăn đều nắm bắt nhanh chóng thời cuộc, sớm đưa việc bán hàng lên kênh trực tuyến thông qua các ứng dụng trong và sau Covid-19. Mặt khác, các liên minh với công ty công nghệ xây dựng và phát động chiến dịch để vực dậy các doanh nghiệp F&B hậu Covid-19 cũng đang phát triển mạnh. Đơn cử chiến dịch COVYDIDI dành cho cộng đồng doanh nghiệp F&B với mức hỗ trợ hơn 50 triệu đồng/doanh nghiệp đã được phát động đầu tháng 4 vừa qua. Chiến dịch được xây dựng bởi liên minh các công ty công nghệ F&B và Retail bao gồm LOOP Smart POS, ZuumViet, AhaMove, BoxMe, ViHAT, Tanca, GoStudio, A1 Demy, Bách Việt Holdings và KaiPass, nhằm hỗ trợ 10.000 doanh nghiệp F&B để cùng vượt qua những thiệt hại do Covid-19, với tổng kinh phí lên đến 500 tỷ đồng.