Danh mục đầu tư 60/40 liệu có còn hiệu quả?

Danh mục đầu tư 60/40 liệu có còn hiệu quả?

Danh mục đầu tư cổ điển 60/40 – sự kết hợp của 60% cổ phiếu và 40% trái phiếu (60/40) – từng là trụ cột của chiến lược đầu tư suốt hàng thập kỷ. Song cách tiếp cận này đang dần có nguy cơ trở nên lỗi thời, khi nhiều nhà đầu tư đưa ra những dự đoán xấu về tình trạng hoạt động kém hiệu quả trong nhiều năm tới của cả hai bộ phận cấu thành giỏ đầu tư này.

Việc cổ phiếu và trái phiếu chính phủ đang được định giá ở mức cao nhất lịch sử buộc nhiều nhà đầu tư phải tìm kiếm các giải pháp thay thế. Điều này tạo nên xu hướng nắm giữ các loại tài sản khác, đồng thời cũng thu hút những nhà đầu tư dài hạn – vốn có sức chống chịu được với giai đoạn hỗn loạn của thị trường – bước chân vào một mảng mà từ trước nay họ không chú trọng.

Vincent Deluard, chiến lược gia vĩ mô của StoneX Group nhận định danh mục đầu tư 60/40 sẽ rơi vào một “mùa đông hạt nhân” trong những năm 2020, đồng thời dự đoán lợi nhuận được điều chỉnh sau lạm phát mà chiến lược này mang lại trong khoảng thời gian đó sẽ chỉ bằng một phần nhỏ so với con số 8,1% của thập kỷ vừa qua.

“Thật khó để biết lợi suất vốn chủ sở hữu của bạn đến từ đâu,” ông Deluard cho hay. Theo chuyên gia này, “lợi suất trái phiếu thấp sẽ không đủ để bù đắp sự sụt giảm trên thị trường cổ phiếu. Nó chỉ là một phép toán”.

Các nhà đầu tư khắp thế giới thường sử dụng một vài phiên bản biến thể từ danh mục đầu tư cân bằng 60/40, trong đó điều chỉnh tăng lượng cổ phiếu – vốn phản ánh sức tăng trưởng của nền kinh tế, và điều chỉnh giảm lượng trái phiếu chính phủ – có vai trò ổn định và cân bằng rủi ro nhờ mức lợi nhuận cố định, ít biến động và có xu hướng tăng giá trị trong thời điểm thị trường căng thẳng. Trong khi đó, những nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn thường có xu hướng nắm giữ nhiều trái phiếu hơn.

Diễn biến thị trường từ đầu năm tới nay khiến nhiều tên tuổi lớn trong giới đầu tư đồng loạt đưa ra cảnh báo về một triển vọng tương lai không mấy sáng sủa.

Tony James, phó chủ tịch điều hành của Blackstone, cảnh báo về một “thập kỷ mất mát” đối với thị trường cổ phiếu khi các công ty phải vật lộn để phục hồi sau đại dịch. Trong khi đó, nhà quản lý quỹ đầu tư kỳ cựu Stanley Druckenmiller nhận định các thị trường đang trải qua một cơn “hưng phấn dữ dội” sau khi các biện pháp can thiệp của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) khiến thị trường chứng khoán Mỹ nhanh chóng phục hồi, thậm chí còn tiếp tục đà đi lên.