TS Cấn Văn Lực, kinh tế trưởng ngân hàng BIDV đã có những chia sẻ xu thế đầu tư BĐS ven KCN và nắm bắt cơ hội đầu tư sinh lời ngay trong mùa dịch.
Theo TS, đâu là những yếu tố khiến bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn duy trì được tăng trưởng trong đại dịch?
Theo tôi, có 4 yếu tố chính:
Một là, dù dịch Covid-19 đã và đang tác động rất tiêu cực đến kinh tế thế giới và Việt Nam nhưng kinh tế thế giới đang phục hồi nhanh (dự báo tăng trưởng 5,7-5,9% năm 2021 và khoảng 4,5-4,9% năm 2022). Với Việt Nam, năm 2021, do dịch bệnh tăng trưởng dự báo chỉ đạt khoảng 2% nhưng đã và đang phục hồi, có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 6,5-7% năm 2022 – 2023.
Hai là, Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế để thu hút dòng vốn FDI. Trong 11 tháng đầu năm 2021, vốn FDI đăng ký vẫn đạt hơn 26 tỷ USD. Cùng với đó, xu hướng chuyển dịch đầu tư khỏi Trung Quốc về Việt Nam vẫn tiếp diễn.
Ba là, về vấn đề pháp lý, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, sắp tới sẽ sửa nghị định về khu công nghiệp để thúc đẩy quản lý, phát triển mảng này.
Bốn là, đầu tư công được đẩy mạnh, trong đó tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng được coi là một trong ba đột phá chiến lược. Cơ sở hạ tầng được đầu tư phát triển sẽ là động lực hỗ trợ thị trường BĐS nói chung và BĐS khu công nghiệp nói riêng phát triển mạnh mẽ.
TS nhận định như thế nào về thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam hiện tại? Đâu sẽ là khu vực có lợi thế để phát triển mạnh trong thời gian tới?
Thực tế, BĐS tại các khu vực có giao thông thuận lợi, cơ sở hạ tầng phát triển và kết nối đồng bộ sẽ trở nên thu hút.
Ngoài ra, các khu vực cơ sở hạ tầng với tiện ích đa dạng và cộng đồng doanh nghiệp FDI mạnh vẫn sẽ là những BĐS có lợi thế phát triển. Một số tập đoàn lớn như FLC, Vingroup, Capital Land; BVGroup, Kosy, TCT Kinh Bắc… đang tìm kiếm nguồn cung nhà xưởng mới ngoài các trung tâm công nghiệp lớn giá thuê đã cao và nguồn cung đất hạn chế.
Về khu vực, một số KCN trọng điểm đã có tỷ lệ lấp đầy cao (trung bình 90-93%). Do đó, các địa phương còn quỹ đất, còn nhiều tiềm năng như Hưng Yên, Hải Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước… sẽ là những khu vực có đà phát triển mạnh về BĐS công nghiệp trong thời gian tới.
Hàng loạt hạ tầng đang được đầu tư tại phía Nam trong giai đoạn 2021- 2025 sẽ tác động tới thị trường BĐS Công nghiệp và BĐS liền kề KCN tại khu vực này như thế nào?
Việc có thêm hạ tầng đồng bộ, kết nối liên vùng tốt sẽ càng giúp kinh tế và BĐS tại khu vực phía Nam bùng nổ hơn. Đặc biệt, BĐS công nghiệp sẽ có cơ hội tăng trưởng mạnh và trở nên hấp dẫn hơn.
Các hạ tầng giao thông, như cao tốc, sân bay,… sẽ giúp hoạt động lưu chuyển hàng hóa, vật liệu sản xuất được dễ dàng hơn, giảm chi phí của các doanh nghiệp, từ đó thu hút được các tập đoàn, doanh nghiệp tham gia. Như vậy, việc ưu tiên phát triển hạ tầng với quy hoạch tổng thể, có tính liên kết vùng, lan tỏa, sẽ là động lực thúc đẩy BĐS công nghiệp và ven KCN tại phía Nam phát triển bùng nổ trong thời gian tới.
TS đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển BĐS Công nghiệp và BĐS liền kề KCN tại các địa phương vừa có tài nguyên vừa có lợi thế hạ tầng như Bà Rịa – Vũng Tàu?
Bà Rịa – Vũng Tàu giống như một ngôi sao mới nổi tại thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam. Đây là một địa phương đã có sẵn lợi thế về phát triển kinh tế, gần trung tâm kinh tế cả nước là TP HCM. Hơn nữa, Bà Rịa Vũng Tàu sở hữu lợi thế vô cùng quan trọng là có cảng nước sâu lớn: cảng Cái Mép Thị Vải – một trong những cảng biển lớn nhất Đông Nam Á và đường cao tốc kết nối với TP HCM.