Dấu hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu đã rõ nét?

Dấu hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu đã rõ nét?

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa có báo cáo nhanh về kinh tế toàn cầu dưới tác động của Covid-19.

Theo nhóm tác giả, kinh tế thế giới và Việt Nam từ quý 1/2020 bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự bùng phát của đại dịch Covid-19 – được đánh giá là rủi ro lớn nhất đối với kinh tế – xã hội thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng bởi tốc độ lây lan rất nhanh của dịch trên phạm vi toàn cầu. Đến ngày 11/3/2020, WHO đã chính thức công bố Covid-19 là đại dịch và nhiều nước trên thế giới cũng đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Đến ngày 27/3/2020, dịch bệnh đã lan ra 199 quốc gia/vùng lãnh thổ, với 530 nghìn ca nhiễm, hơn 24 nghìn ca tử vong, và đang lây lan nhanh tại Châu Âu và Mỹ. Nếu dịch bệnh không được kiểm soát tốt, nhiều khả năng kinh tế thế giới và nhiều nước sẽ suy giảm mạnh và suy thoái kinh tế toàn cầu là khó tránh khỏi.

Dấu hiệu suy thoái kinh tế

Hiện nay, có rất nhiều quan điểm khác nhau để xác định kinh tế một nước hay khu vực rơi vào suy thoái kinh tế hay không. Tuy nhiên, quan điểm được các tổ chức uy tín, giới chuyên gia chấp nhận nhiều nhất là khi tăng trưởng GDP hai quý liên tiếp ở mức âm hoặc giảm mạnh. Ngoài ra, một số tổ chức còn tiếp cận định nghĩa suy thoái kinh tế theo một số yếu tố khác như: tình trạng thất nghiệp; sự sụt giảm mạnh về thương mại, sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ, đầu tư tài sản cố định, thị trường tài chính…v.v.

Ở một góc nhìn khác, tháng 9/2018, 10 năm sau sự sụp đổ của tập đoàn tài chính Lehman Brothers (Mỹ), Tập đoàn tài chính JP Morgan Chase đã tính toán, dựa trên độ dài thời gian mở rộng kinh tế sau khủng hoảng, khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế theo chu kỳ, mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính, mức tăng giá của các tài sản…v.v.; và đã đưa ra 4 dấu hiệu chính khác chỉ báo khả năng suy thoái kinh tế: (i) chỉ số chứng khoán Mỹ giảm trên 20%; (ii) giá năng lượng (chủ yếu giá dầu) giảm trên 35% và giá các kim loại cơ bản giảm trên 30%; (iii) thị trường chứng khoán các nước mới nổi giảm trên 40%; và (iv) giá trị các đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi giảm trên 14% (so với USD),…v.v.

Trong Báo cáo này, nhóm tác giả sử dụng tổng hợp các chỉ số trên, bao gồm 6 dấu hiệu chính: (i) Tăng trưởng GDP giảm mạnh ở hai quý liên tiếp; (ii) Tình trạng thất nghiệp tăng nhanh; (iii) Thị trường chứng khoán giảm sâu, chỉ số rủi ro tăng đột biến – thể hiện niềm tin nhà đầu tư và sức khỏe doanh nghiệp ở mức rất thấp; (iv) Diễn biến giá dầu thể hiện lo ngại về nhu cầu giảm mạnh; (iv) Diễn biến giá vàng thể hiện mức độ rủi ro và nhà đầu tư tìm kiếm kênh đầu tư an toàn hơn; (v) Chỉ số sản xuất suy giảm mạnh cho thấy ảnh hưởng của việc gãy chuỗi cung ứng, tạm dừng sản xuất, kinh doanh; và (vi) Doanh số bán lẻ sụt giảm (thể hiện sức cầu tiêu dùng yếu ớt).

Khả năng và mức độ suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2020

Về tăng trưởng kinh tế, từ đầu năm đến nay, khi đại dịch Covid-19 ngày càng lan rộng, chưa được kiểm soát, diễn biến nhanh, khó lường; dự báo của các tổ chức quốc tế lớn đã luôn phải thay đổi, cập nhật về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như các nước, khu vực lớn như Mỹ, châu Âu, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản…v.v. Mặc dù chưa có số liệu kinh tế quý 1/2020, song đến nay, nhiều tổ chức lớn như Bloomberg, JPMorgan Chase, Goldman Sachs, Citi Group, Stratfor…v.v. đã đưa ra nhận định về khả năng suy thoái kinh tế Mỹ và toàn cầu ngày càng rõ nét hơn. Đây là nhận định đảo ngược hoàn toàn so với các dự báo hồi đầu năm (với gam màu sáng là chủ đạo, khi căng thẳng Mỹ-Trung có dấu hiệu lắng dịu). 

Khảo sát của Bloomberg gần đây cho thấy, xác suất xảy ra suy thoái kinh tế đã tăng lên 53% (so với mức chỉ 25% trong khảo sát trước đây). Trong khi đó, kết quả khảo sát ngày 18/3/2020 của Focus-Economics, có đến 64% chuyên gia và tổ chức được khảo sát dự báo kinh tế thế giới sẽ suy thoái trong vòng 12 tháng tới (cao hơn mức 43% tại khảo sát 1 tuần trước đó). Trong báo cáo ra ngày 18/3/2020, CitiResearch dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc quý 1 sẽ là -5,2%, quý 2 là 4,7% và cả năm 3,7% (so với mức 6,1% năm 2019), của Mỹ quý 2 chỉ tăng 1,1% (từ mức 1,8% quý 1, tương đương mức giảm 38%), quý 3 là 1,2% và cả năm 1,4%, trong khi Nhật Bản có thể chứng kiến 3 quý đầu năm tăng trưởng âm, EU và Anh chứng kiến 3 quý cuối năm tăng trưởng âm (Bảng 1).