Cơ cấu cổ đông mới của SCB trong giai đoạn 2 tái cơ cấu
Sáng ngày 29/5/2020, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên. Tại đại hội, các cổ đông đã thông qua phương án đăng ký giao dịch trên hệ thống UpCOM trong năm 2020-2021 và phương án tăng vốn điều lệ thêm 5.000 tỷ đồng. Như vậy, dự kiến đến cuối năm 2020, vốn điều lệ của SCB sẽ đạt 20.232 tỷ đồng.
Đề án tái cơ cấu giai đoạn hai (đề án cơ cấu lại SCB gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2019-2020, tầm nhìn đến năm 2030), do NHNN phê duyệt vào tháng 3/2020, đã khuyến khích sự tham gia của cổ đông mới vào SCB để đa dạng cơ cấu cổ đông.
Lãnh đạo của SCB cho biết, việc đa dạng thêm cổ đông mới có phần sớm hơn so với kế hoạch dự kiến. Ngân hàng dự kiến niêm yết trên sàn chứng khoán vào sau năm 2022, lúc này SCB sẽ có điều kiện tốt hơn trong việc “chốt” room ngoại khi năng lực tài chính cũng như sức cạnh tranh của SCB vững mạnh. Nhưng với đề án tái cơ cấu giai đoạn hai được NHNN phê duyệt thì việc thu hút thêm cổ đông cũng như kế hoạch niêm yết của SCB rõ hơn và triển khai trong năm 2020.
Việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài để tham gia vốn vào Ngân hàng luôn là mục tiêu dài hạn của SCB. Theo đề án tái cơ cấu giai đoạn hai, SCB tiếp tục được ủng hộ về mặt chủ trương trong việc tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài tham gia vốn với tỷ lệ trên 50%, song sẽ đa dạng thêm cổ đông, tức sẽ có nhiều cổ đông trong và ngoài nước tham gia, thay vì chỉ có một nhà đầu tư. Trong điều kiện thuận lợi, cho phép cổ đông nước ngoài nắm giữ trên 50%; cổ đông nước ngoài không nhất thiết là cổ đông chiến lược chiếm trên 20%, ưu tiên các định chế tài chính ở các nền kinh tế phát triển và phải trình Thủ tướng xem xét. Giá phát hành sẽ được hai bên đàm phán, thỏa thuận.
Kế hoạch gọi thêm cổ đông mới cùng tham gia với ngân hàng trong giai đoạn này có ý nghĩa rất tích cực. Vì tình hình SCB đã được cải thiện tích cực hơn sau giai đoạn tái cấu trúc.
Lãnh đạo SCB cũng cho biết, SCB sẽ lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính và phù hợp với chiến lược kinh doanh của Ngân hàng nhưng không giới hạn số lượng nhà đầu tư; miễn nhà đầu tư đáp ứng được các tiêu chí do SCB đưa ra.