Điều gì sẽ xảy ra nếu ông Trump và ông Biden bất phân thắng bại?

Điều gì sẽ xảy ra nếu ông Trump và ông Biden bất phân thắng bại?

Để chính thức đắc cử, một ứng viên Tổng thống cần tối thiểu 270 phiếu Đại cử tri trong tổng số 538 phiếu. Ngày 3/11, người dân Mỹ sẽ đi bỏ phiếu nhưng không phải để bầu ra Tổng thống Mỹ mà để bầu ra các Đại cử tri, đại diện cho từng bang. Tùy vào quy mô và diện tích, mỗi bang của nước Mỹ sẽ có những số phiếu đại cử tri nhất định. Ở phần lớn các bang, người chiến thắng sẽ là người có được toàn bộ phiếu Đại cử tri của bang đó.

Điều này đồng nghĩa với việc ngay cả khi một ứng viên Tổng thống Mỹ giành nhiều đầu phiếu phổ thông hơn, người đó cũng không chiến thắng. Ông Donald Trump là một ví dụ. Trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016, ông Trump thua bà Hillary Clinton tới 3 triệu phiếu phổ thông nhưng vẫn chiến thắng nhờ vượt trội về số phiếu đại cử tri.

Sở dĩ, nước Mỹ có những bang luôn bỏ phiếu cho ứng viên của đảng Dân chủ hoặc Cộng hòa. Điều này dẫn tới việc cuộc đua và Nhà Trắng chủ yếu tập trung ở nhưng bang “chiến trường”, nơi có ảnh hưởng tới kết quả chung cuộc. Chiến thắng ở những bang chiến trường cùng số phiếu sẵn có ở những bang trung thành là chìa khóa để chiến thắng.

Trong lịch sử chính trị hiện đại, cuộc đua gắt gao nhất xảy ra năm 2000 giữa ông George W. Bush của đảng Cộng hòa và ông Al Gore của đảng Dân chủ. Ông Bush thua đối thủ 500.000 phiếu phổ thông nhưng lại thu về 271 phiếu đại cử tri, nhiều hơn 1 phiếu so với mức tối thiểu để giành chiến thắng.

Trở lại với cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay, một vài mô hình dự đoán cho thấy ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden đang dẫn trước đương kim tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, dữ liệu từ thị trường chứng khoán lại nói lên một kết quả khác. Kể từ 1928, bất cứ khi nào S&P 500 tăng điểm trong 3 tháng trước bầu cử thì 90% trường hợp là đảng đang kiểm soát Nhà Trắng sẽ chiến thắng.

Chính điều này khiến nhiều người nghĩ tới khả năng ông Trump và ông Biden hòa phiếu dù điều này chưa từng xảy ra trong lịch sử chính trường Mỹ. Dẫu vậy, người Mỹ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp này và Hạ viện được giao quyền định đoạt người sẽ trở thành Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tiếp theo.

Hạ viện Mỹ có 435 thành viên. Tuy nhiên, mỗi bang chỉ có một phiếu duy nhất thay vì 435 phiếu bầu chọn tổng thống. Lựa chọn của bang sẽ là người được đa số các Hạ nghị sĩ trong bang đó bầu. Nếu một bang có số Hạ nghị sĩ Dân chủ chiếm đa số, bang đó sẽ bầu cho người Dân chủ và ngược lại.

Ở thời điểm hiện tại, người Dân chủ đang kiểm soát Hạ viện Mỹ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chiến thắng chắc chắn về tay ông Biden trong trường hợp họ hòa phiếu. Do mỗi bang chỉ có 1 phiếu nên bang lớn, có nhiều Hạ nghị sĩ cũng chỉ có quyền quyết định như bang nhỏ, có ít người. Hiện tại, số bang do người Cộng hòa của ông Donald Trump kiểm soát là 26, nhiều hơn số bang do người Dân chủ nắm giữ dù ít Hạ nghị sĩ hơn.

Trong trường hợp Hạ viện Mỹ không lựa chọn được Tổng thống trước ngày 20/1, Phó Tổng thống đắc cử sẽ là người nắm tạm quyền cho tới khi Tổng thống được chọn ra. Trong trường hợp này, Phó Tổng thống được Thượng viện Mỹ lựa chọn. Không giống như Hạ viện, mỗi Thượng nghị sĩ sẽ có 1 phiếu bầu chọn Phó Tổng thống. Người Cộng hòa đang chiếm đa số tại Thượng viện Mỹ.

Trong trường hợp Thượng viện Mỹ cũng không thể lựa chọn được Phó Tổng thống, Chủ tịch Hạ viện sẽ là người nắm quyền điều hành đất nước cho tới khi Tổng thống và Phó Tổng thống được ấn định. Tuy nhiên, do điều này chưa từng xảy ra trong lịch sử chính trị nước Mỹ nên người ta không biết nó sẽ như thế nào trong thực tế.

Cuộc bầu cử ngày 3/11, về mặt lý thuyết, chưa thực sự bầu ra Tổng thống Mỹ. Quyết định cuối cùng chỉ đến sau cuộc họp Đại cử tri đoàn vào ngày thứ 2 sau ngày thứ 4 thứ 2 trong tháng 12 (tức ngày 14/12 năm nay). Lúc này, 51 cuộc họp ở 50 tiểu bang cùng Đặc khu Columbia (hay chính là thủ đô Washington D.C – nơi có 3 phiếu Đại cử tri) sẽ diễn ra đồng thời. Các đại cử tri sẽ bỏ phiếu chọn người trở thành Tổng thống như họ đã cam kết.

Bầu cử ngày 3/11 chính là việc người dân Mỹ bỏ phiếu cho các ứng viên mà các đảng phái đã lựa chọn. Họ chính là người đại diện cho đảng của mình. Tuy nhiên, cũng có trường hợp các Đại cử tri không bầu cho người mà họ đã cam kết. Họ được gọi là những “Đại cử tri bất tuân”. Những người này hiếm khi làm thay đổi kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ nhưng không phải không có.

Sự kiện đầu tiên được ghi nhận vào năm 1836, khi 23 đại cử tri bang Virginia bỏ phiếu trắng khi bầu ứng viên Phó Tổng thống (họ bỏ phiếu cho Tổng thống nhưng bỏ phiếu trắng với phó tướng của ông này). Sau đó, Thượng viện vẫn quyết định người mà các Đại cử tri Virginia cam kết ủng hộ trở thành Phó Tổng thống.

Để tránh những sự việc như thế này, 29 bang và thủ đô Washington DC đã có luật yêu cầu các Đại cử tri phải thực hiện đúng cam kết. Nếu làm trái lại, họ có thể sẽ bị buộc tội hoặc bị phạt tiền. Những quy định nghiêm ngặt cùng uy tín của cả sự nghiệp chính trị khiến các Đại cử tri hiếm khi không bỏ phiếu cho người họ cam kết.