Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới tháng 12/2021 tiếp tục đạt kỷ lục với 226.580 đơn vị. Như vậy, 10 tháng liên tiếp số lượng tài khoản cá nhân trong nước mở mới duy trì trên 100.000 đơn vị mỗi tháng và là tháng thứ 2 ở mức trên 200.000 đơn vị mỗi tháng. Tính cả năm 2021, cá nhân mở mới hơn 1,53 triệu tài khoản chứng khoán, gấp gần 4 lần so với cả năm 2020. Lượng mở mới tài khoản của cá nhân trong nước năm 2021 cũng lớn hơn cả 5 năm trước cộng lại.
Ở diễn biến khác, theo số liệu Ngân hàng Nhà nước công bố, đến cuối tháng 11/2021, tiền gửi dân cư (không tính tổ chức, doanh nghiệp) tại các tổ chức tín dụng (TCTD) là gần 5,277 triệu tỷ đồng, giảm hơn 23.400 tỷ so với mức ghi nhận cuối tháng 10. Đây cũng là tháng giảm tệ nhất của tiền gửi dân cư trong nhiều năm liền.
Có thể thấy, không ít người dân đã dùng tiền nhàn rỗi để đầu tư cổ phiếu thay vì gửi tiền ngân hàng. Quả thực, trong năm 2021, thị trường chứng khoán tăng mạnh và vô cùng hấp dẫn nhà đầu tư cá nhân trong nước.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện của tháng 11, tháng 12/2021. Bước sang năm 2022, thị trường chứng khoán liên tục xảy ra những cú sốc với nhiều phiên “bốc hơi” mạnh, loạt cổ phiếu bất động sản đang tăng dựng đứng thì bất ngờ quay đầu giảm sàn liên tục, trắng bên mua. Hay những sự vụ như huỷ lệnh “bán chui” của Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đã ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý các nhà đầu tư.
Đầu tư chứng khoán có lãi, có lỗ. Nhiều nhà đầu tư chấp nhận điều này. Nhưng cũng không khó nhận thấy, nhiều nhà đầu tư F0 đã nản lòng, muốn bán bớt danh mục, thậm chí có người còn muốn đóng luôn tài khoản chứng khoán và quay về gửi tiết kiệm hoặc đầu tư tài sản khác an toàn hơn.
Dĩ nhiên, khả năng sinh lời của gửi tiết kiệm ngân hàng không thể so được với chứng khoán. Dù vậy, với những người ưa thích an toàn, không am hiểu về chứng khoán và tâm lý không đủ vững vàng trước những đợt rung lắc của thị trường thì gửi tiền ngân hàng cũng có thể là lựa chọn phù hợp với họ.
Gửi tiền tiết kiệm thời điểm này cũng có thể là một lựa chọn tốt (hơn thời điểm sau Tết) vì theo khảo sát, nhiều ngân hàng vừa tăng lãi suất tiền gửi khách hàng cá nhân do áp lực thanh khoản cao thời điểm cuối năm. Chưa kể, nhiều ngân hàng đang có các chương trình tặng quà cho khách hàng dịp Tết Nguyên đán. Theo dự báo của chuyên gia chứng khoán SSI, lãi suất huy động tăng sẽ chỉ là xu hướng mang tính mùa vụ và mặt bằng lãi suất huy động khả năng sẽ hạ nhiệt sau đó.
Vậy lãi suất tiền gửi ngân hàng hiện nay ra sao?
Theo khảo sát, dù lãi suất đã tăng trở lại thời gian gần đây, hiện mức lãi suất cao nhất trên thị trường chỉ ở mức 7,6%/năm tại ngân hàng SCB. Tuy nhiên, để có mức lãi này, khách hàng phải gửi từ 500 tỷ trở lên ở kỳ hạn 13 tháng.
Thấp hơn một chút, 7,2-7,4%/năm, khách hàng sẽ có nhiều lựa chọn hơn nếu không có số tiền lớn như trên.
Cụ thể, tại SCB, đối với hình thức gửi online, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất 7,25%/năm khi gửi kỳ hạn 13 tháng, 7,3%/năm kỳ hạn 15 tháng và 7,35%/năm khi gửi kỳ hạn từ 18 tháng trở lên.
Tại NamABank, mức lãi suất cao nhất là 7,4%/năm, áp dụng cho khách hàng gửi tiết kiệm từ 16 tháng trở lên trên kênh online. Đối với kỳ hạn 12 tháng – 15 tháng, lãi suất cũng rất cao là 7,2%/năm.
Hiện để hưởng được lãi suất trên 7%/năm, ngoài 2 ngân hàng trên, khách hàng còn có thể gửi tiết kiệm tại nhiều nơi khác như PVCombank, VietABank,…, kỳ hạn thường từ 18 tháng trở lên.
Ở nhóm ngân hàng lớn, lãi suất cao nhất khoảng 6,5-6,8%/năm nhưng chỉ tại một số ngân hàng như SHB, Sacombank, VPBank,…
Cụ thể, SHB có lãi suất 6,5%/năm cho kỳ hạn 1 tháng, 6,6%/năm kỳ hạn 18 tháng. Ngoài ra, ngân hàng này có sản phẩm chứng chỉ tiền gửi lãi suất trên 7%/năm, nhưng kỳ hạn dài tới 6 năm.
Sacombank có lãi suất cao nhất 6,8%/năm khi gửi kỳ hạn 3 năm theo hình thức online. Đối với kỳ hạn 15 tháng, lãi suất là 6,5%/năm, kỳ hạn 24 tháng là 6,7%/năm.
Tại VPBank, lãi suất cao nhất hiện nay là 6,5%/năm, áp dụng cho khách hàng gửi online từ 50 tỷ, kỳ hạn 36 tháng.
Tương tự, Eximbank cũng có lãi suất cao nhất 6,5%/năm, tuy nhiên không yêu cầu số tiền gửi lớn, áp dụng cho kỳ hạn từ 15 tháng trở lên theo hình thức gửi online.
Tại nhóm “Big 4”, lãi suất cao nhất của VietinBank là 5,6%/năm; của Vietcombank, Agribank, BIDV là 5,5%/năm khi gửi tại quầy. Đối với gửi online, lãi suất sẽ được cộng thêm 0,1-0,3%/năm tuỳ kỳ hạn.