Theo thống kê của Cục quản lý đăng ký kinh doanh, trong 7 tháng đầu năm 2021, gần 80 nghìn doanh nghiệp đã thông báo giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động, phần lớn các doanh nghiệp còn lại cũng đang gặp khó khăn để duy trì hoạt động của mình trước làn sóng COVID-19 thứ 4. Trong 1 cuộc khảo sát khác, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng các khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp tư nhân trong đại dịch COVID-19 xếp theo tỷ lệ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lần lượt là tiếp cận khách hàng (50%), dòng tiền (46%), lao động (38%), và chuỗi cung ứng (33%).
Xét về khía cạnh có tác động lớn nhất đó là tiếp cận khách hàng, tương lai bất định về COVID-19 khiến hành vi tiêu dùng của khách hàng thay đổi đáng kể: giảm chi tiêu tối đa, chỉ tập trung vào những mặt hàng thiết yếu; đồng thời chuyển sang mua hàng trực tuyến. Vì thế mọi khách hàng đều cần các đơn vị đảm bảo đáp ứng các nhu cầu cơ bản của họ: cung ứng hàng kịp thời, an toàn (giao dịch không tiếp xúc), không bị thiếu hàng. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp cần quản lý đồng bộ bán hàng đa kênh, tối ưu hóa trải nghiệm cá nhân của khách hàng dựa trên nhu cầu, mục đích và mong muốn của riêng họ. Nhưng với những doanh nghiệp trung thành với hình thức kinh doanh mua hàng truyền thống, làn sóng COVID thứ 4 diễn ra quá nhanh khiến một lượng không nhỏ trong số họ chưa kịp xây kênh mua bán online, phải phụ thuộc vào nhóm khách hàng trung thành quen thuộc nhưng lại chưa có hệ thống quản trị khách hàng (CRM) tốt.
Bên cạnh đó, việc quản lý nguồn lực, duy trì hiệu suất làm việc, tăng cường sự kết nối của người lao động với công ty cũng là vấn đề gây đau đầu cho các chủ doanh nghiệp trong hoàn cảnh các biện pháp cách ly và giãn cách xã hội được áp dụng ngày càng nghiêm ngặt. 1 doanh nghiệp công nghệ đã từng làm khảo sát về sự hài lòng của nhân viên sau thời gian áp dụng biện pháp phòng dịch theo Chỉ thị 15 và kết quả 37,5% nhân sự cho rằng họ gặp khó khăn về môi trường làm việc trong thời gian giãn cách xã hội. Điều này là dễ hiểu khi không chỉ năng suất làm việc giảm sút, việc tương tác trao đổi công việc bị ảnh hưởng mà toàn bộ quá trình xử lý các thủ tục giấy tờ trong thời gian này gần như bị đóng băng, dẫn đến các hoạt động kinh doanh bị đình trệ.
Các doanh nghiệp nên làm gì để đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh với nguồn doanh thu từ nhóm khách hàng trung thành? Làm thế nào để xử lý các công việc vốn cần tiếp xúc trực tiếp như trình ký, phân bổ công việc, vv… để không gây ách tắc, giảm hiệu suất chung của cả công ty?
Khái niệm “Kinh doanh liên tục”, hay “Kinh doanh không gián đoạn” đã, đang và sẽ được nhắc tới nhiều hơn bao giờ hết, đặc biệt khi những quy định về cách ly và giãn cách xã hội ngày càng siết chặt một lần nữa đẩy doanh nghiệp vào tình thế đầy thử thách. Bài toán cấp thiết đặt ra cho các doanh nghiệp tại thời điểm này, không chỉ là đảm bảo nguồn cung vacxin phòng ngừa COVID-19 cho các nhân viên, mà còn là tìm ra được 1 loại “vacxin” cho riêng mình có tác dụng đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh liên tục trong bối cảnh đại dịch.