Khi đại dịch Covid-19 gần như đã được kiểm soát tại Trung Quốc, Tuần lễ Vàng đang là dịp thể hiện sự tự tin của quốc gia này trong việc hồi phục nền kinh tế cùng các biện pháp y tế công cộng. Theo Bộ Văn hóa và Du lịch, trong 4 ngày đầu tiên của kỳ nghỉ kéo dài 1 tuần (từ ngày 1/10), khoảng 425 triệu người đã đi du lịch trong nước, tương đương 80% con số của năm ngoái.
Việc hoạt động đi lại gia tăng mạnh tại đại lục hoàn toàn trái ngược với nhiều nơi khác trên thế giới, nhất là khi ngành du lịch toàn cầu dự kiến sẽ mất ít nhất 1,2 nghìn tỷ USD vào năm 2020. Hơn nữa, điều này còn thể hiện sức mạnh hồi phục của nền kinh tế tỷ dân. Tính đến tháng 9, OECD dự báo mức tăng trưởng là 1,8%, theo đó Trung Quốc là quốc gia G20 duy nhất tăng trưởng dương.
Triển vọng tích cực đó cho thấy rằng quốc gia này có thể tránh làn sóng lây lan khác và các biện pháp phong tỏa vốn được thực hiện nghiêm ngặt. Khi hàng triệu người di chuyển trên khắp cả nước trong kỳ nghỉ năm nay, họ không cần phải thực hiện các bước kiểm dịch, do đó rủi ro có thể tăng lên. Tháng trước, Trung Quốc cũng mở cửa biên giới đối với các công dân có giấy cư trú hợp pháp.
Nicholas Thomas – giáo sư dự bị ngành an ninh y tế tại Đại học Thành phố Hồng Kông, nhận định: “Chắc chắn sẽ có rủi ro khi người dân được ồ ạt đi du lịch. Theo một cách nào đó, đây là một ví dụ sớm đối với phần còn lại của thế giới khi hoạt động du lịch toàn cầu được tái khởi động vào năm tới.”
Kể từ ngày 15/8, Trung Quốc không ghi nhận bất kỳ ca nhiễm Covid-19 trong nước nào, dù phát hiện 2 người có triệu chứng vào cuối tháng 9 và chính phủ cũng nới lỏng gần như toàn bộ lệnh hạn chế đi lại. Lệnh cấm đối với các chuyến du lịch theo nhóm cũng được dỡ bỏ vào giữa tháng 7, mọi quận ở mỗi thành phố đều được xác định là có nguy cơ lây nhiễm thấp và kết quả xét nghiệm không còn cần thiết đối với việc du lịch liên tỉnh.
Wu Zunyou – trưởng nhóm dịch tễ học tại CDC Trung Quốc, cho biết: “Chúng tôi đã có ít nhất 6 tuần không ghi nhận ca nhiễm nào trong nước. Điều đó có nghĩa là môi trường hiện tại mọi người tiếp xúc đã không còn virus. Khả năng bạn gặp một người nhiễm bệnh mà không có triệu chứng là rất thấp, gần như không đáng kể.”
Trong khi đó, các quốc gia khác vẫn khá ngần ngại về việc cho phép người dân đi du lịch như năm 2019. Chẳng hạn như Hàn Quốc – với khoảng 100 ca nhiễm mỗi ngày, đã thắt chặt các quy định giãn cách xã hội trong 2 tuần nghỉ lễ bắt đầu từ cuối tháng 9. Các thành phố và quốc gia châu Âu cũng đưa ra những hạn chế mới nhằm nỗ lực ứng phó với làn sóng mới.
Còn tại Trung Quốc, khách du lịch dường như rất thoải mái. Zora Li – 35 tuổi, dự định bay từ Bắc Kinh đến Quảng Tây cùng 2 con và cha mẹ cô, đây là chuyến đi đầu tiên của họ trong năm 2020. Cô chia sẻ: “Tôi không có lựa chọn nào khác. Các con tôi chỉ có thể đi chơi trong dịp nghỉ lễ.”
Li không phải người duy nhất sẵn sàng di chuyển xa. Theo một báo cáo từ công ty phân tích và dữ liệu du lịch Cirium, lượng đặt vé máy bay cho kỳ nghỉ năm nay tăng 11% so với năm 2019. Trong khi đó, số lượng đặt phòng tại các khách sạn trong nước bắt đầu tăng vào gần cuối tháng 8 và hiện đã tăng vọt. Tính đến ngày 10/9, chi phí đặt phòng khách sạn trung bình năm nay cao hơn khoảng 20% so với năm ngoái, trang web đặt phòng Qunar.com cho biết.
Chưa dừng ở đó, các ứng dụng gọi xe Didi và Dida đều gặp sự cố khi kỳ nghỉ bắt đầu vào ngày 30/0, theo Tân Hoa xã. Khoảng 11,7 triệu lượt khách đã di chuyển bằng tàu vào ngày 3/10, chỉ giảm 15% so với năm 2019. Hơn nữa, vé tại đoạn trường thành Bát Đạt Lĩnh của Vạn Lý Trường Thành đã được bán hết vào ngày giữa buổi sáng ngày 3/10, đánh dấu lần đầu tiên “cháy vé” kể từ cuối tháng 3. Những địa điểm nổi tiếng khác như Tử Cấm Thành và Hang Mạc Cao cũng chật kín người kể từ khi kỳ nghỉ bắt đầu.
Tây Tạng, Tân Cương và Ninh Hạ nằm trong số các khu vực có chi tiêu tăng nhanh nhất vào ngày 1 và 2/10, theo dữ liệu của China Unionpay. Chi tiêu cho khách sạn tại Tây Tạng đã tăng hơn gấp đôi so với 1 năm trước đó và chi tiêu cho đồ ăn, thức uống tăng 49%.
Thomas cho hay: “Chúng ta sẽ biết liệu Trung Quốc có thành công hay không vào 2-3 tuần sau kỳ nghỉ lễ, khi đó sẽ chứng kiến bao nhiêu ca nhiễm mới xuất hiện. Nếu họ nỗ lực tránh được việc số ca nhiễm gia tăng, thì đó chính là bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang thực sự chuyển sang thời kỳ hậu Covid-19.”
Dẫu vậy, “bóng ma” Covid-19 và sự hồi phục mong manh vẫn là yếu tố gây áp lực cho Trung Quốc. Thậm chí, nhiều khách du lịch lại không mấy “mặn mà” với Tuần lễ vàng. Theo Bộ văn hóa và Du lịch, trong 4 ngày đầu tiên của kỳ nghỉ, doanh thu du lịch là 312 tỷ CNY, giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hơn nữa, hiện tại cũng còn rất nhiều người ở trong nhà. Shirly Zhang – kiểm toán viên 29 tuổi ở Thâm Quyến, đã hủy bỏ kế hoạch du lịch trong năm nay, bao gồm cả 1 chuyến đi đến Nhật Bản đã lên kế hoạch từ lâu. Chị chia sẻ: “Năm nay là 1 năm khó khăn. Một số người bạn của tôi đã mất việc. Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy mình cần phải tiết kiệm 1 số tiền để phòng ngừa những bất trắc trong tương lai.”
Tham khảo Bloomberg