GDP lao dốc chưa từng có trong lịch sử, thêm quốc gia Đông Nam Á rơi vào suy thoái

GDP lao dốc chưa từng có trong lịch sử, thêm quốc gia Đông Nam Á rơi vào suy thoái

Cú sập lịch sử

Cơ quan thống kê quốc gia của Philippines cho biết GDP của của nước này đã giảm 16,5% so với 1 năm trước. Đây là mức giảm tồi tệ nhất kể từ khi dữ liệu này được thu thập từ năm 1981.

“Cái giá phải trả khi áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội đang để lại những vết sẹo lớn trong bảng cân đối kế toán của các hộ gia đình cũng như doanh nghiệp. Điều này sẽ ảnh hưởng nặng nề tới chi tiêu tiêu dùng trong những tháng tới. Thất bại trong việc ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, tiếp tục hạn chế đi lại và hỗ trợ chính sách không đầy đủ đồng nghĩa với việc Philippines đối mặt với khả năng phục hồi chậm nhất trong khu vực”, Alex Holmes, chuyên gia phân tích của Capital Economics, nhận định.

Khi dữ liệu được công bố, chứng khoán Philippines tăng 0,3% và là phiên tăng thứ 3 liên tiếp. Đồng peso ở mức 49,074 peso đổi 1 USD vào lúc 10h45 sáng theo giờ địa phương, gần như không thay đổi và vẫn duy trì mức gần như mạnh nhất kể từ tháng 11/2016.

Khi Coivd-19 bùng lên, Tổng thống Rodrigo Duterte đã áp dụng các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt, trong đó khiến hầu hết các doanh nghiệp phải đóng cửa, đình chỉ giao thông công cộng từ tháng 3 đến tháng 5. Sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 đẩy chính phủ đi đến thống nhất tái phong tỏa thủ đô và các khu vực xung quanh.

Trong khi đó, số người thất nghiệp tăng cao kỷ lục và sự sụt giảm mạnh về kiều hối khiến tiêu dùng tư nhân bị ảnh hưởng nặng nề. Xuất khẩu cũng giảm 2 chữ số trong giai đoạn từ tháng 3 tới tháng 6 vì đóng cửa kinh tế.

“Sự sụt giảm GDP của Philippines trong quý 2 đánh dấu một điềm gở với nền kinh tế. Tuy nhiên, những điều tồi tệ nhất có thể vẫn chưa tới. Mặc dù kinh tế có dấu hiệu phục hồi trong quý 3 khi các biện pháp giãn cách được nơi lỏng nhưng sự gia tăng trở lại của các ca mắc kéo theo nguy cơ tái đóng cửa và ảnh hưởng nặng nề tới khả năng tăng trưởng”, Justin Jimenez, chuyên gia về Kinh tế châu Á của Blooberg, nhận định.

Hiện tại, số ca mắc Covid-19 ở Philippines đã tăng hơn 6 lần so với thời điểm nới lỏng giãn cách xã hội hồi tháng 6. Điều này cũng khiến Philippines trở thành ổ dịch lớn thứ 2 tại châu Á.

Hiện nay, các nhà lập pháp Philippines vẫn đang cân nhắc một kế hoạch chi tiêu và đề xuất cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của Chính quyền Tổng thống Duterte. Các nhà lãnh đạo Philippines hy vọng các biện pháp này có thể hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Hiện nay, Philippines mới bơm 2,9 tỷ USD để kích thích kinh tế, ít hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Trước Philippines, Singapore cũng đã chính thức rơi vào suy thoái sau những cú sụt giảm mạnh mẽ vì ảnh hưởng của Covid-19 và chiến tranh thương mại.

Họa vô đơn chí

Mặc việc áp dụng các biện pháp cách ly phong tỏa sớm và kéo dài bậc nhất thế giới, số ca mắc Covid-19 ở Philippines vẫn tăng lên 120.000, khiến nó vượt Indonesia để trở thành ổ dịch lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Số ca mắc Covid-19 tăng vọt đã buộc Philippines phải tái áp dụng các biện pháp cách ly xã hội ở thủ đô Manila và các khu vực lân cận để hạn chế lây nhiễm. Các biện pháp đau đớn được tiến hành sau khi nền kinh tế này vừa có cú sụt 16,5% trong quý 2 so với 1 năm trước đó. Đây là sự sụt giảm chưa từng có trong lịch sử.

Những gì xảy ra ở Philippines được xem là ví dụ cho hậu quả của việc dỡ bỏ giãn cách xã hội quá sớm. Trong khi đó, cái gọi là làn sóng Covid-19 thứ 2 cũng đang hoành hành ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Riêng ở Philippines, việc xét nghiệm không chính xác với hơn 100.000 người lao động từ nước ngoài trở về sau khi mất việc vì Covid-19 đã khiến vấn đề càng trở nên nghiêm trọng.

Sau khi dỡ bỏ các lệnh phong tỏa, được áp dụng suốt từ tháng 3 cho tới tháng 5, số ca nhiễm Covid-19 mới ở quốc gia này đã tăng đột biến với số lượng trên 1.000 ca mắc mới mỗi ngày. Khi mọi người đi làm trở lại và giãn cách xã hội được gỡ bỏ, số ca nhiễm đã tăng 500% trong tháng 6 và tháng 7, buộc Chính phủ phải tiến hành tái giãn cách xã hội.