Theo báo cáo thị trường bất động sản khu công nghiệp quý III/2021 của CBRE Việt Nam, giá chào thuê đất công nghiệp tại TP. HCM và Hà Nội đang cao gấp đôi so với một số tỉnh lân cận.
Cụ thể, trong quý III/2021, giá cho thuê bất động sản công nghiệp tại TP. HCM cao nhất 300 USD/m2, trong khi Long An là 250 USD/m2, Bình Dương 150 USD/m2 và Đồng Nai khoảng 200 USD/m2.
Ở miền bắc, giá cho thuê của Hà Nội cao nhất 250 USD/m2, bỏ xa Hưng Yên, Hải Dương 100 USD/m2 hay Hải Phòng 130 USD/m2.
Theo CBRE chỉ ra xu hướng di chuyển ra các tỉnh thành phụ cận TP. HCM và Hà Nội của các khu công nghiệp và khách thuê ngày càng rõ ràng hơn, khi giá thuê đất tại các trung tâm công nghiệp ngày càng “leo thang”, trong khi quỹ đất không còn nhiều.
Đồng thời, tính kết nối của các tỉnh thành phụ cận được cải thiện đáng kể từ các dự án hạ tầng đang được thi công như cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, Dầu Giây – Phan Thiết tại phía nam; cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, Ninh Bình – Hải Phòng tại phía bắc.
Trong 9 tháng đầu năm, tỷ lệ lấp đầy trung bình tại các khu công nghiệp tại 5 tỉnh và thành phố công nghiệp chính tại miền Bắc gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng đạt 78,5%, tăng 0,5 điểm theo năm.
Tương tự, tỷ lệ lấp đầy tại 4 tỉnh và thành phố công nghiệp chính tại miền Nam gồm TP. HCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương đạt 87,2%, tăng 0,2 điểm theo năm.
Xét về quy mô, các giao dịch thuê đất có diện tích giao động 3 – 25 ha, trong đó phổ biến là 3 – 5 ha với nhu cầu đến từ nhóm ngành sản xuất đồ nội thất, điện tử, kho vận và bao bì, đóng gói.
CBRE cũng đánh giá, với sự thay đổi mạnh mẽ trong đại dịch, thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam đã trở thành cơ hội hấp dẫn cho cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Khó khăn vừa qua cho thấy sự cần thiết trong việc đa dạng địa điểm sản xuất, mở rộng kho hàng và đặc biệt là nhóm kho lạnh cho hàng hóa thực phẩm, nông sản.
Cùng với đó, việc mở rộng của các doanh nghiệp hiện hữu và xây dựng các cơ sở sản xuất trong bối cảnh đẩy mạnh sự di dời chuỗi cung ứng sẽ là động lực chính thúc đẩy nhu cầu trong những năm tới.
Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của CBRE Việt Nam nhận xét về triển vọng của thị trường: “Các khó khăn trong ngắn hạn sẽ sớm được giải quyết, thị trường duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ trong dài hạn với kế hoạch mở rộng của các nhà máy nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam”.
Theo nghiên cứu mới nhất của CBRE Châu Á Thái Bình Dương, Việt Nam được đánh giá là thị trường quan trọng trong ba năm tới của các chủ đầu tư và khách thuê công nghiệp và kho vận. Bên cạnh đó, nhu cầu sản xuất bền vững và các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đang được các khách thuê quan tâm khi xây dựng nhà xưởng mới.
Ngoài ra, theo CBRE, các chủ đầu tư khu công nghiệp cũng đang thực hiện các thay đổi về phát triển sản phẩm để thích ứng với tình hình mới. Các điểm nổi bật là sự áp dụng công nghệ hiện đại để quản lý và vận hành cơ sở hạ tầng, cung cấp các gói dịch vụ về pháp lý, nhân sự để giúp khách thuê tiết kiệm thời gian và chi phí trong quá trình thực hiện dự án.
Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong giới thiệu sản phẩm nhà xưởng, đất công nghiệp sẽ giúp khách hàng trải nghiệm sản phẩm trực tuyến khi việc đến xem trực tiếp còn hạn chế.
Theo tìm hiểu, trong quý III/2021 vừa qua, các địa phương công nghiệp mới nổi ven các đô thị lớn rất tích cực “dọn tổ đón đại bàng”. Đơn cử như tại Quảng Yên (Quảng Ninh), Tập đoàn Amata và hai tập đoàn từ Hàn Quốc, Nhật Bản đã đề xuất đầu tư hai KCN 1.400 ha; tại Hưng Yên, tỉnh này mời đầu tư 14 dự án công nghiệp gần 32.000 tỷ đồng; các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc cũng lần lượt duyệt/thông qua quy hoạch các KCN mới…