Giải bài toán vốn giúp doanh nghiệp phục hồi

Giải bài toán vốn giúp doanh nghiệp phục hồi

Áp lực phục hồi sản xuất kinh doanh

Sau 5 tháng (kể từ cuối tháng 4/2021) bùng phát tại TP.HCM, dịch Covid-19 với sự xuất hiện của biến chủng Delta đã gây tổn hại kinh tế vô cùng lớn cho thành phố đóng góp hơn 25% tổng GDP của Việt Nam. Theo khảo sát của Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV), trong 21.000 doanh nghiệp, 70% đã đóng cửa. Hàng chục nghìn lao động mất việc, thu nhập giảm sút, đặc biệt là nhóm nhập cư và thu nhập thấp.

“Sức chịu đựng của xã hội đã đến hạn và sức chịu đựng của nền kinh tế cũng đã bị tổn thương, cần phục hồi sớm” – Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nói trong cuộc họp ngày 17/9 với các chuyên gia, bàn việc phục hồi kinh tế sau mở cửa. Không chỉ riêng TP.HCM, các tỉnh thành khác cũng đang thí điểm mở cửa dần theo nguyên tắc an toàn cho sản xuất, sản xuất phải an toàn.

Song song, các chuyên gia từ IMF đưa khuyến nghị Việt Nam cần chú trọng hơn về chính sách tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp và chi tiêu của người dân, qua đó tạo điều kiện phục hồi.

Gỡ khó, đón mở cửa trở lại

Theo đánh giá của World Bank, trong suốt 2020 đến nay, NHNN đã thực thi chính sách tiền tệ linh hoạt, hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế. Đây là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu 2021.

NHNN đã có những hành động điều hành rất thiết thực, trong đó giảm lãi suất 3 lần đưa mặt bằng lãi suất giảm thêm 1,55% và đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân vượt Covid-19, ban hành Thông tư 14 và Thông tư 03 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01 về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng.

Trước đó, 16 ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp. Tính đến 31/8, nhóm ngân hàng thương mại gồm: Vietinbank, Vietcombank, Agribank, BIDV, MB, Bưu Điện Liên Việt, TPBank, VIB, ACB, Seabank, SHB, HDBank, MSB, VPBank, Techcombank, Sacombank (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thực hiện việc giảm lãi suất cho vay 8.865 tỷ đồng, đạt 43,01% so với cam kết với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA).