Có một câu chuyện tôi thấy khá thú vị trong quá trình đầu tư là tại sao phần đông nhà đầu tư chỉ mong và nghĩ rằng ngày nào cổ phiếu của mình cũng tăng giá? Nếu một hôm nào đó cổ phiếu không tăng sẽ cảm thấy rất buồn. Quá trình này có thể trở thành một thói quen nhiều năm và vô tình khiến bạn vào vòng xoáy của chứng khoán và lãng phí thời gian vì nó.
Có những thói quen nhà đầu tư hay mắc phải là luôn cố tìm kiếm cổ phiếu để mua mặc dù nhiều khi biết thị trường đang rủi ro và khó đoán, cửa thắng chắc chỉ có 20-30% nhưng vẫn cố chấp và nuôi hy vọng.
Thực tế nếu bạn hiểu rõ tâm lý nhà đầu tư hiện tại đang như thế nào thì việc ra quyết định sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Bạn sẽ không cảm thấy sốt ruột kể cả chờ vài tháng hoặc cả năm mới mua một mã nào đó mà bạn đánh giá rất tốt. Có rất nhiều cổ phiếu tôi theo dõi vài quý và khi thấy lợi nhuận bắt đầu tăng tốt, biên lợi nhuận cải thiện tôi mới bắt đầu mua chứ không mua từ trước đó và hy vọng.
Phần lớn nhà đầu tư cá nhân không hiểu về cổ phiếu mình đang nắm giữ, không biết giá đó đang rẻ hay đắt, không có kỹ năng xử lý tình huống nên khi cổ phiếu tăng sẵn sàng “gấp thếp” nhưng sau đó cổ phiếu giảm thì lại kệ và buông xuôi. Mỗi ngày nhìn và thấy cổ phiếu của mình đã sụt giảm 30-50% và lúc đó không biết phải làm gì.
Từ kinh nghiệm nhiều lâu năm, tôi đúc rút ra vài điểm mấu chốt về tâm lý mà nhà đầu tư cần giải quyết để đứng vững trên thị trường chứng khoán:
1. Đừng sợ không có cổ phiếu để mua. Thực tế luôn có cổ phiếu cho bạn mua nhưng quan trọng là giá nào mà thôi.
2. Sợ Cutloss đúng đáy và không hiểu về cổ phiếu nên gần như bị động trong mọi tình huống xử lý.
3. Không hiểu rằng đầu tư về cơ bản là buồn tẻ mà chỉ muốn mua mua bán bán liên tục. Tức là muốn tìm “niềm vui” trên thị trường chứng khoán chứ không phải nghiêm túc đầu tư.
4. Có quá ít kiến thức về vĩ mô nên không đánh giá được tác động đến thị trường như thế nào trong thời gian sắp tới.
5. Không hiểu mình nắm giữ cổ phiếu vì điều gì nhưng “gồng lỗ” rất tốt và “gồng lãi” rất kém.
6. Rất dễ dàng từ bỏ nếu gặp một vài lần thua lỗ và thường tìm lý do đổ lỗi. Sau đó lại không bao giờ ngồi xem xét những lỗi sơ đẳng trong đầu tư của mình là gì.
7. Rất dễ tin lời tư vấn của ai đó và sẵn sàng mua. Rất ít khi hỏi ngược lại: Cổ phiếu đó có gì? Tại sao tôi nên mua nó lúc này? Mức giá này đã thật sự hấp dẫn chưa?
8. Luôn sẵn sàng tìm một nguyên nhân nào đó để hợp thức hoá lý do TTCK tăng hay giảm trong khi không tìm hiểu bản chất thực sự.
9. Yêu cổ phiếu quá mức, lúc nào cũng tin doanh nghiệp sẽ tăng trưởng tốt và giá cổ phiếu tăng, nhưng khi doanh nghiệp ra tin thua lỗ cũng vẫn giữ chặt vì quá yêu?
10. Thường mua vì “màu xanh” và bán vì “màu đó” chứ không hề có kế hoạch mua bán trước đó, và mua xong mới đi tìm hiểu doanh nghiệp làm gì.
11. Rất thích cầm cổ phiếu với số lượng nhiều nên sẵn sàng mua full cổ phiếu giá penny nhưng khi mua cổ phiếu thị giá cao thì rất rón rén.
12. Không hiểu được bản chất thực sự của lòng tham và nỗi sợ hãi. Luôn chỉ có lòng tham nên luôn sợ mất cơ hội trong khi không hiểu rằng bất cứ thị trường chứng khoán nào dù Uptrend cũng cần những quãng nghỉ.