Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Nhà nước, nhằm hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đến nay, các TCTD đã bước đầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng, trong đó NHCSXH 40.000 khách hàng với dư nợ 17.927 tỷ đồng (trong đó NHCSXH 1.400 tỷ đồng); và đã miễn giảm lãi cho 6.427 khách hàng với dư nợ 125.242 tỷ đồng, số lãi được miễn giảm khoảng 300 tỷ đồng.
Đồng thời, các TCTD đã tích cực triển khai các chương trình, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường từ 0,5-3%/năm. Hiện nay, các TCTD đã cho vay mới đối với 354.286 khách hàng (trong đó NHCSXH 275.000 khách hàng), doanh số cho vay đạt 165.208 tỷ đồng (trong đó NHCSXH 12.000 tỷ đồng). Trong đó, dư nợ tập trung chủ yếu ở một số ngành nh: Công nghiệp chế biến, chế tạo (60.000 tỷ đồng); Bán buôn bán lẻ (43.000 tỷ đồng); Nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản (16.000 tỷ đồng).
Gói tín dụng hỗ trợ lên tới gần 300.000 tỷ của các ngân hàng đang được đánh giá cao về tính cần thiết với cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế. Tuy nhiên, xung quanh việc triển khai gói tín dụng này cũng nảy sinh nhiều vấn đề khiến chính sách hỗ trợ này khó phát huy hiệu quả tốt nhất.
Theo đánh giá của Bộ công thương, hiện nay hầu như các doanh nghiệp công nghiệp rất khó tiếp cận với các hỗ trợ tín dụng tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, nguyên nhân chính là do Ngân hàng Nhà nước dành nhiều quyền tự quyết cho các ngân hàng thương mại trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, trong khi bản thân các ngân hàng thương mại thực chất hoạt động theo cơ chế của doanh nghiệp thông thường, phải chịu sức ép về chỉ tiêu lợi nhuận với các cổ đông, vì vậy sẽ hạn chế trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 do sẽ gây ảnh hưởng đến chỉ tiêu lợi nhuận và kết quả kinh doanh của ngân hàng.
Do đó, Bộ Công thương cho rằng cần áp dụng các công cụ mạnh hơn để trực tiếp hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong đó, BCT đề xuất sử dụng công cụ tái cấp vốn với tỷ lệ chiết khấu phù hợp cho các ngân hàng thương mại để trực tiếp chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp công nghiệp (mức giảm lãi suất bằng 30% so với mức lãi suất hiện nay trong thời hạn 12 – 24 tháng), đơn giản hóa và minh bạch hoá các thủ tục để các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận với các hỗ trợ tín dụng của nhà nước.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác giám sát việc triển khai thực thi các chính sách hỗ trợ tín dụng của các ngân hàng thương mại để bảo đảm hiệu quả hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp.
Bộ Công thương cũng cho rằng cần sửa đổi một số quy định cụ thể tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN để tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ tiếp cận hỗ trợ tín dụng.
Cần điều chỉnh thời gian cơ cấu lại nợ?
Trong đó, về vấn đề cơ cấu lại thời hạn trả nợ, theo Điều 4 Thông tư số 01/2020/TT-NHNN thì thời gian cơ cấu nợ không vượt quá 12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn cho vay.
Tuy nhiên, trên thực tế, với diễn biến phức tạp hiện nay, dịnh bệnh có khả năng tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp từ 6 đến 12 tháng tới. Theo ước tính từ một số ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng chiếm khoảng 40% – 60%, một số doanh nghiệp có đơn hàng với các đối tác châu Âu, Trung Quốc và Mỹ đều bị dừng 100%; các đơn hàng trong nước giảm từ 40%-60%. Sau thời điểm khó khăn, các doanh nghiệp cần phải có thời gian phục hồi, khôi phục hoạt động sản xuất.
Với những phân tích đó, cần điều điều chỉnh thời gian cơ cấu lại trong trường hợp kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ không vượt quá 18 tháng hoặc 24 tháng.
Đơn giản hoá hồ sơ chứng minh ảnh hưởng
Việc ban hành quy định nội bộ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của Thông tư cũng cần sửa đổi.
Tại Khoản 3 Điều 4 Thông tư quy định “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng và đánh giá của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi của khách hàng sau khi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phù hợp mức độ ảnh hưởng của dịch Covid – 19″.
Tuy nhiên, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã khiến hàng tồn kho của các doanh nghiệp tăng, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất. Như vậy, hồ sơ chứng minh của các doanh nghiệp để đáp ứng các điều kiện cho vay sẽ bị ảnh hưởng, nguồn trả nợ sẽ không đáp ứng các quy định nội bộ của các tổ chức tín dụng (TCTD).
Do đó, BCT cho rằng cần điều chỉnh theo hướng đơn giản hóa hồ sơ chứng minh bị ảnh hưởng, nguồn trả nợ/điều kiện cơ cấu nợ.
Điều kiện tham gia các gói tín dụng còn rất phức tạp
Về các gói hỗ trợ, theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các TCTD đều chủ động đưa ra các gói hỗ trợ lãi suất, giảm lãi suất cho vay từ 0,5% – 1,0% so với thỏa thuận trước. Tuy nhiên, thực tế điều kiện để tham gia các gói tín dụng này đều rất phức tạp và việc giảm lãi suất như trên còn ít, chưa thực sự là đòn bẩy để thúc đẩy phát triển, cần có công cụ trực tiếp đến từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Với những phân tích trên, Bộ Công Thương cho rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên có gói tín dụng cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn. Ví dụ như: Cho vay với lãi suất thấp, giãn thời gian trả nợ lãi cho khách hàng…