Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tại ngày 31/12/2020, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt 9.192.566 tỷ đồng. Trong năm 2020, dư nợ tín dụng đã tăng khoảng 12,17%, tín dụng tăng chậm những tháng đầu năm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng bật tăng mạnh trong quý 4.
Trong khi đó, đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng khởi sắc hơn hẳn so với cùng kỳ. Thông tin tại Họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây cho biết, tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm 2021 đạt 4,67%, cao hơn nhiều so với mức 2% của 5 tháng đầu năm 2020.
Như vậy, ước tính hơn 420.000 tỷ đồng đã được hệ thống tổ chức tín dụng bơm ra nền kinh tế từ đầu năm đến nay. Đến cuối tháng 5, dư nợ tín dụng cả hệ thống đã vượt 9,6 triệu tỷ đồng.
Trước đó, tính đến 16/4, tín dụng nền kinh tế tăng 3,34% so với cuối năm 2020. Điều này có nghĩa trong tháng 5 vừa qua, bất chấp việc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và căng thẳng trở lại ở một số địa phương, tín dụng vẫn có tăng trưởng đều đặn. Ước tính từ 16/4 đến hết tháng 5, nền kinh tế đã được bơm thêm hơn 120.000 tỷ đồng từ vốn tín dụng.
Trước đó, theo báo cáo tài chính quý 1/2021, nhiều ngân hàng có dư nợ cho vay khách hàng tăng mạnh như MSB tăng 12,6%, Sacombank tăng 4,9%, ACB tăng 4,1%, MBB tăng 8,6%, Techcombank tăng 6,7%,…Tín dụng tăng mạnh ngay từ những tháng đầu năm cũng là một trong những yếu tố giúp nhiều nhà băng ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng trưởng cao từ đó có lợi nhuận trước thuế ấn tượng.
Đáng chú ý, nhiều chuyên gia cho rằng, tín dụng đang tăng nhanh hơn so với huy động vốn. Số liệu gần nhất về tăng trưởng huy động vốn của các TCTD là tới ngày 19/3/2021 do Tổng cục thống kê công bố, tăng khoảng 0,54% so với đầu năm. Trong khi đó, cũng tính đến 19/3, tăng trưởng dư nợ tín dụng đã đạt 1,47%. Chênh lệch này có thể khiến cho thanh khoản hệ thống trong năm 2021 nhiều khả năng không còn dư thừa nhiều như trong năm 2020.
Cũng theo thông tin tại Họp báo Chính phủ, trong 5 tháng đầu năm, thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất tiếp tục duy trì ổn định.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn gửi các TCTD, trong đó yêu cầu các ngân hàng tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, cho vay mới,… theo thẩm quyền và theo quy định.
Cùng với đó, NHNN đề nghị các TCTD thực hiện cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ khách hàng, người dân, doanh nghiệp. Từng TCTD căn cứ năng lực, khả năng tài chính của mình để tính toán thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biện pháp hỗ trợ khác; đồng thời công khai công bố mức lãi suất hỗ trợ, các biện pháp, chính sách hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp được biết.