Kết quả kinh doanh cải thiện, Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP) có thể gia tăng chi trả cổ tức?

Kết quả kinh doanh cải thiện, Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP) có thể gia tăng chi trả cổ tức?

Trong báo cáo được công bố, Công ty chứng khoán Thành Công (TCSC) đã có những đánh giá tích cực với triển vọng của Nhiệt Điệt Quảng Ninh (QTP) trong nửa cuối năm 2021 nhờ lợi thế cạnh tranh tốt trên thị trường điện cùng yếu tố điều chỉnh thời gian khấu hao tài sản cố định.

Cụ thể, TCSC cho biết trong 6 tháng đầu năm 2021, giá than đầu vào tại các nhà máy nhiệt điện than vẫn duy trì ổn định quanh mức 1.6 triệu/tấn. Khoảng cách giữa giá thị trường điện bình quân và giá vốn nguyên liệu đầu vào được duy trì quanh mức 100đ/kWh, đủ để các nhà máy có thể cạnh tranh trên thị trường điện, mặc dù không tốt bằng năm 2019.

TCSC đánh giá khoảng cách này sẽ tiếp tục được cải thiện khi các nguồn năng lượng truyền thống khác đang gặp khó khăn, thị trường điện dần cân bằng hơn do nguồn điện từ năng lượng tái tạo không còn đột biến như cuối năm 2020, tăng trưởng sản lượng điện đang dần quay trở lại.

Vị trí chiến lược thuận lợi

QTP tọa lạc tại Phường Hà Khánh, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Đây là một trong 3 khu vực của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc bao gồm Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.

Theo TCSC, mức độ đô thị hóa, công nghiệp hóa cao ở Quảng Ninh giúp cho sản lượng tiêu thụ điện ở khu vực này luôn tăng trưởng ở mức hai chữ số. Bên cạnh đó, QTP còn nằm ở vị trí có trữ lượng than lớn nhất cả nước, giúp cho việc nhập than, sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn rất nhiều.

Thời gian khấu hao tài sản cố định ngắn giúp giảm nợ vay nhanh

Trong năm 2020, QTP đã thực hiện thay đổi khấu hao, tăng thời gian khấu hao của nhà máy nhiệt điện. Việc thay đổi khấu hao điều chỉnh giảm 740 tỷ vào chi phí giá vốn, tương ứng việc lợi nhuận tăng 740 tỷ so với khi QTP áp dụng khung khấu hao như các năm trước.

Trước khi thay đổi chính sách khấu hao vào cuối năm 2020, thời gian khấu hao bình quân tài sản cố định của QTP là 10 năm, thấp hơn nhiều so với mức bình quân trong ngành là 12-15 năm. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của QTP gần như được sử dụng 100% để trả nợ vay. Do đó, dư nợ vay của QTP giảm rất nhanh trong giai đoạn này. Theo ước tính của TCSC, QTP sẽ hoàn thành xong nghĩa vụ trả nợ vay vào năm 2023.

Kết quả kinh doanh cải thiện, có thể chi trả cổ tức cao hơn

Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của QTP rất ổn định trong suốt giai đoạn 2014-2020, trung bình đạt được khoảng 1.200 tỷ/năm. Tuy nhiên, do nợ vay của QTP trong giai đoạn này chủ yếu là ngoại tệ nên chi phí tài chính liên tục biến động mạnh, khiến cho lợi nhuận sau thuế của QTP không ổn định. Tính đến tháng 6/2021, dư nợ vay của QTP chỉ còn 2.785 tỷ và chủ yếu là bằng VNĐ. Do đó, kết quả kinh doanh sẽ ngày càng cải thiện và ổn định hơn so với giai đoạn trước đây.

Bên cạnh các vấn đề về tài chính, hoạt động kinh doanh cốt lõi của QTP cũng đang có những cải thiện đáng kể. Theo QTP, suất hao nhiệt bình quân 4 tháng đầu năm 2021 là 10.872 KJ/kWh, giảm đáng kể so với cùng kỳ là 11.126 KJ/kWh. Hiện nay, ban lãnh đạo của QTP vẫn đang tiếp tục nỗ lực để giảm suất hao nhiệt về mức theo phương án giá điện trong hợp đồng PPA.

TCSC cho rằng QTP có nhiều động lực để chi trả cổ tức cao hơn kể từ năm 2020 và đã có các động thái về mặt kế toán nhằm giúp công ty chi trả cổ tức cho năm 2020 như (1) Thay đổi thời gian khấu hao TSCĐ từ 10 năm lên thành 15 năm. Do đó, chi phí khấu hao TSCĐ mỗi năm sẽ giảm từ 1.900 tỷ xuống còn khoảng 1.000 tỷ mỗi năm, giúp LNST của QTP tăng thêm khoảng 800 tỷ, tạo dư địa tăng tỷ lệ chi trả cổ tức; (2) Dòng tiền dồi dào khoảng 1.600 – 2.000 tỷ/năm trong khi nợ vay sắp hết. Tiền mặt của QTP tính đến hết năm 2020 lên đến hơn 1.300 tỷ (khoảng 3.000đ/cp). Hiện nay, QTP vẫn đang còn 1.000đ cổ tức năm 2020 chưa chia.